Xây dựng chính sách về các hoạt động tư vấn, vận động lấy, điều phối, ghép mô tạng là nội dung hội thảo do Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tổ chức chiều 12/6.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Trần Văn Thuấn, thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trước năm 2023, cả nước chỉ có 5 bệnh viện thực hiện chẩn đoán hồi sức chết não hiến mô tạng, nhưng hiện nay 9 cơ sơ y tế đã thực hiện được chẩn đoán này. Có 26 bệnh viện trên toàn quốc đã thực hiện ghép tạng thành công.
Tuy nhiên để phát triển ngành ghép tạng vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Lượng mô tạng hiến chỉ đáp ứng một phần nhỏ so với nhu cầu thực tế và 95% là từ người cho sống, trong khi tại các nước hơn 50% nguồn hiến đến từ người chết não.
Ngoài nguyên nhân do quan niệm "chết phải toàn thây" của một số người dân, thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, chúng ta đang thiếu cơ chế, chính sách cho hoạt động này.
"Thể chế đi chậm so với nhu cầu thực tế, chế độ chính sách điều phối vận động lấy, ghép... về tài chính hầu như chưa được xây dựng và hoàn thiện" - thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết.
Chính vì chưa xây dựng được cơ chế nên đội ngũ y bác sĩ tham gia thực hiện kỹ thuật lấy-ghép tạng cũng chịu nhiều thiệt thòi. "Nhiều phẫu thuật lớn trong ghép tạng chỉ được áp vào phẫu thuật thường quy. Ví dụ ghép thận hiện tương đương với mổ thận thông thường trong khi thực tế chi phí cao hơn nhiều lần so với phẫu thuật đơn thuần"- thứ trưởng Trần Văn Thuấn nêu thực tế.
Một vấn đề nữa được PGS. TS Lê Văn Thành - Viện trưởng Viện trưởng Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện TW quân đội 108 nêu ra tại hội thảo, hiện nay chi phí ghép gan, thận nói chung được quỹ BHYT chi trả còn ít, đạt khoảng 20% so với tổng số tiền phải chi trả.
"1 ca ghép gan hết 1 tỉ đồng BHYT hỗ trợ chi trả 200 triệu. Như vậy, đối với người dân có mức thu nhập bình thường khó có thể thực hiện được ca ghép, khó có cơ hội được sống tốt hơn. Cần có mức chi trả BHYT tốt hơn", PGS. TS Lê Văn Thành đề xuất.
TS.BS Nguyễn Thanh Xuân - Bệnh viện TW Huế cũng đề xuất cần xây dựng cơ cấu giá ghép tạng làm cơ sở cho BHYT thanh toán, áp dụng chung cho tất cả các cơ sở y tế trong cả nước.
Hiện cả nước mới chỉ có 23 bệnh viện tỉnh, bệnh viện TW có tổ tư vấn vận động, lấy, điều phối, ghép mô tạng, nhưng không có cơ chế gì để duy trì hoạt động. Từ trước đến nay hoạt động của tổ này chỉ dựa trên tinh thần thiện nguyện của các nhà hảo tâm hoặc dùng kinh phí từ các nguồn khác.
"Để phát triển ngành ghép tạng, giảm gánh nặng cho BHYT phải thành lập tổ tư vấn và điều phối ghép mô tạng tại các bệnh viện có nguồn chết não tiềm năng hiến và cần xây dựng chi phí cho các hoạt động tư vấn, điều phối hiến ghép tạng" - PGS.TS Đồng Văn Hệ nhấn mạnh.