Mới đây, Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu cho một cháu gái 8 tuổi, ở quận Long Biên, Hà Nội trong tình trạng ngón tay út bên trái bị đứt gần rời.

Theo lời kể của bố cháu bé, cháu cùng mẹ đến chơi một người nhà ở Vĩnh Phúc. Trong lúc chơi đùa với bạn, không may, vung tay vào cánh quạt công nghiệp đang quay, ngay lập tức ngón tay út bị đứt gần rời.

Gia đình hay sử dụng quạt công nghiệp mỗi khi nhà có việc nhưng khe hở của quạt khá rộng, cháu bị vấp ngã thì tay bị đụng vào. Gia đình đưa cháu đến BV Đa khoa Mê Linh để sơ cứu rồi chuyển lên BV Xanh Pôn” – bố cháu gái kể lại.

Ths.BS Lê Xuân Ngọc – Khoa Phẫu thuật tạo hình, BV Xanh Pôn cho biết, cháu nhập viện trong tình trạng ngón út bị đứt gần rời, đứt hết gân xương vào mạch máu. Khi tiếp nhận, ngay lập tức ê kip bác sĩ của Khoa đã chuyển cháu vào phòng phẫu thuật, xử trí phục hồi lại ngón theo giải phẫu.

Sau hơn 2 tiếng đồng hồ, xương, gân ngón tay của bé đã được giải phẫu phục hồi. Đồng thời thực hiện Kỹ thuật vi phẫu nối mạch máu thần kinh dưới kính hiển vi.

Hơn một ngày sau, ngón tay út bên trái của cháu gái đã hồng ổn định. Dự kiến một vài ngày nữa, cháu sẽ được xuất viện. Nếu gia đình tuân thủ hướng dẫn của các bác sĩ, tập phục hồi chức năng tốt thì sau này, việc cầm nắm, hoạt động của ngón tay sẽ trở về như trước.

Theo Ths.BS Lê Xuân Ngọc, thời gian gần đây, bệnh viện liên tục tiếp nhận các trường hợp trẻ em bị đứt rời hoặc đứt gần rời ngón tay do tai nạn từ quạt công nghiệp.

Trung bình một tuần, Khoa tiếp nhận 1-2 ca bị đứt rời hoặc đứt gần rời ngón tay do nghịch hoặc va vào quạt đang quay là chuyện bình thường. Độ tuổi thường từ 5-12 tuổi. Thậm chí có trường hợp cháu bé, ngón tay bị đứt rời thành nhiều mảnh, nhiều lát như lá chuối. Tùy tình trạng tổn thương mà mình tiến hành cách xử trí khác nhau. VD như ngón bị dập nát quá thì phải tạo hình vạt che phủ khuyết phần mềm đó. Thứ hai là có thể ghép thêm phần móng vào để móng phục hồi gần như hoàn toàn. Còn trong trường hợp bị đứt rời thì phải thực hiện thêm kỹ thuật vi phẫu nối mạch máu thần kinh dưới kính hiển vi. Nếu bệnh nhân cấp cứu kịp thời và tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật tốt thì có thể hồi phục được như trước” – Ths.BS Lê Xuân Ngọc cho biết.

Để phòng ngừa những tai nạn sinh hoạt do quạt gây ra, Ths.BS Lê Xuân Ngọc khuyến cáo cha mẹ khi mua quạt nên mua loại có lồng bảo vệ bên ngoài, thứ hai là để quạt đúng chỗ, khi không dùng nữa thì phải tắt quạt đi. Nếu chẳng may trẻ bị thì cha mẹ, người thân nên rửa sạch vết thương, băng cầm máu rồi chuyển bệnh nhân đến bệnh viện ngay.