Việc yêu cầu mọi người ăn chay trường không thực tế và thậm chí là không mong muốn, nhưng sản xuất chăn nuôi có ảnh hưởng đến môi trường cao nhất trong tất cả các loại thực phẩm. Nếu dân số toàn cầu tiếp tục tăng và áp dụng chế độ ăn dựa trên vật nuôi, chúng ta khó có thể làm chậm sự nóng lên toàn cầu hoặc ngăn chặn tốc độ tuyệt chủng của các loài vật đang báo động.

Chế độ ăn bán chay (nguyên bản: flexitarian diet hay semi-vegetarian diet) có thể cung cấp thức ăn cho lượng dân số đang tăng chóng mặt ở nhiều khu vực với lượng khí nhà xanh thải ra ít hơn, hoặc tiềm năng hơn nữa, ăn bán chay giúp ngăn chặn sự bùng phát và lây lan dịch bệnh.

Người ăn chế độ bán chay tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (bao gồm cả protein trong các loại đậu, quả hạch hay hạt), một lượng vừa phải cá, thịt gia cầm, trứng hay các sản phẩm từ sữa, và ăn cực kỳ ít các loại thịt đỏ (thịt bò hay thịt lợn) hay thịt đã được chế biến (thịt hộp, thịt xông khói,...)

Nhiều người tham gia chế độ ăn bán chay sẽ giúp giảm sản xuất chăn nuôi, gia tăng việc mở rộng đất nông nghiệp trên các vùng đất hoang. Việc này giúp hạn chế sự tiếp xúc giữa động vật hoang dã, vật nuôi và con người, ngăn chặn mầm bệnh lây lan.

Phá hủy môi trường sống nói chung ảnh hưởng nặng nề đến các loài động vật hoang dã, trong khi các loài như động vật gặm nhấm, dơi, chim hay linh trưởng, vốn dễ dàng thích nghi hơn với môi trường mới do con người tác động, thì vẫn sống sót và thậm chí là phát triển. Không ít loài trong số chúng được biết đến là ổ chứa các bệnh lây nhiễm cho vật nuôi và con người. Các trang trại chăn nuôi thâm canh sẽ có nguy cơ cao làm tăng khả năng động vật thuần hóa trở thành vật chủ trung gian cho các bệnh truyền qua động vật hoang dã, và thường làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh sang người.

Chuyển đổi sang chế độ ăn bán chay cũng có ích cho sức khỏe: như việc giảm nguy cơ béo phì, tiểu đường, các bệnh về tim mạch hay ung thư đại trực tràng.

Hạn chế ăn các nguồn thức ăn có chứa động vật là cốt lõi của việc tạo ra một hệ thống lương thực toàn cầu bền vững, đặc biệt nếu kết hợp với việc chuyển đổi sang chăn nuôi hữu cơ - thân thiện với môi trường, giảm lãng phí và thất thoát lương thực. Các nghiên cứu chỉ ra rằng nên đầu tư tốt hơn vào các giống cây trồng, giống gia súc và thực hành quản lý phù hợp hơn với nông trại hữu cơ vốn thấp có thể làm gia tăng đáng kể sản lượng.

Có rất nhiều biện pháp phù hợp để chính phủ và các doanh nghiệp để thúc đẩy việc tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ sữa lành mạnh và bền vững hơn, như việc tuyên truyền, giáo dục trong trường học, tập huấn cho các y bác sĩ, dán nhãn sinh thái trên bao bì thực phẩm, đánh thuế tiêu thụ thịt và sữa, phân phối thực phẩm cho trường học, bệnh viện, áp dụng nghĩa vụ thuế, phí lên các ngành bán lẻ và khách sạn.

Các biện pháp này nên nhắm vào các đối tượng tiêu dùng vượt định mức ở các quốc gia phát triển với nền kinh tế giàu có. Với các nước đang phát triển, ở các vùng nông thôn nghèo, việc tự canh tác, chăn nuôi nhỏ lẻ có thể giúp giảm tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng và cũng ít ảnh hưởng đến môi trường hơn. Với các nhóm người sinh sống trên các vùng đất không thích hợp để canh tác cây trồng - chẳng hạn như các cộng đồng săn bắn hái lượm và chăn nuôi - đương nhiên sẽ tiếp tục dựa vào nguồn dinh dưỡng là động vật. Tuy nhiên, những ảnh hưởng xấu lên môi trường là rất nhỏ do cách sống tự cung tự cấp của họ không thể so sánh với tác động của những nhóm dân cư đô thị đông đúc.

Bên cạnh đó, có thể nghiên cứu áp dụng các biện pháp can thiệp, các biện pháp an toàn sinh học áp dụng tại cộng đồng nông thôn, các trang trại chăn nuôi, nhà hàng...

Tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ động vật hoang dã cao và có thể ngày càng gia tăng. Đây có thể là một dấu hiệu khác cho thấy sự suy thoái hệ sinh thái đang làm suy yếu khả năng của Trái Đất trong việc duy trì sức khỏe và hạnh phúc của con người.

Việc thay đổi chế độ ăn uống từ nguồn thức ăn chăn nuôi và giảm nhu cầu thịt thú rừng ở đô thị là rất quan trọng để đồng thời bảo vệ môi trường và giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh và đại dịch.

(Thảo Hiền lược dịch, nguồn: 360info)

Về các tác giả:

Giulia Wegner là nhà nghiên cứu của Đơn vị nghiên cứu bảo tồn động vật hoang dã (WildCRU), Đại học Oxford, Anh. Bà làm việc với các cộng đồng địa phương về quyền môi trường và phát triển bền vững.

Kris Murray là PGS Khoa Môi Trường và Sức Khỏe tại MRC Unit The Gambia @ LSTHM và trung tâm MRC chuyên nghiên cứu bệnh truyền nhiễm toàn cầu, Đại học Imperial London. Ông chủ yếu nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm và biến đổi toàn cầu.

Laura McCoy phụ trách mảng Lịch sử Tự nhiên của tổ chức Di sản Quốc gia Manx (Manx National Heritage). Bà đã và đang thực hiện các dự án cho các bảo tàng lịch sử tự nhiên trên khắp thế giới.