Đài NBC (Mỹ) mới đây nêu ra vấn đề từ góc nhìn của chuyên gia với nhận định chung: chưa bao giờ tình trạng rối loạn ăn uống phổ biến và nghiêm trọng như lúc này ở thanh thiếu niên.

Mặc dù bài báo của NBC liên quan tới người trẻ Mỹ, song thực trạng cảnh báo lại là chuyện có lẽ không xa lạ với nhiều bạn tuổi teen Việt Nam. Trong đó đáng chú ý hơn cả là tác hại rất lớn từ mạng xã hội.

Theo Trung tâm Phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ, số ca nhập viện vì rối loạn ăn uống đã tăng vọt trong dịch Covid-19, tăng gấp đôi ở các em gái vị thành niên.

Mặc dù hầu hết các em sau đó đã có thể trở lại học hành, chơi thể thao, nhưng nhiều chuyên gia Mỹ cảnh báo tình trạng rối loạn ăn uống, đặc biệt là chứng chán ăn tâm thần vẫn đang ở mức cao nhất mọi thời.

Theo các chuyên gia, đại dịch đã khiến tỉ lệ lo lắng, trầm cảm tăng lên, đây cũng là hai yếu tố nguy cơ làm phát sinh hay làm nặng thêm các triệu chứng rối loạn ăn uống. Ngay cả sau khi dịch Covid-19 đã thuyên giảm đáng kể, số thanh thiếu niên phải nhập viện vì rối loạn ăn uống vẫn ở mức báo động. Đáng lo hơn khi các triệu chứng thể chất và tinh thần còn nghiêm trọng hơn giai đoạn trước và độ tuổi cũng trẻ hơn.

Các chuyên gia nhấn mạnh việc không thể tách rời tình trạng rối loạn ăn uống ở người trẻ với ảnh hưởng từ mạng xã hội.

Theo điều tra của Tổ chức phi lợi nhuận Common Sense Media, 84% thanh thiếu niên cho biết đang dùng mạng xã hội và các app phổ biến nhất là YouTube, Snapchat và TikTok.

Trong những năm qua, nhiều phụ huynh đã kiện các công ty mạng xã hội như TikTok, Meta (sở hữu Instagram) và Google (sở hữu YouTube) với cáo buộc đã làm con họ bị rối loạn ăn uống.

Tổ chức Social Media Victims Law Center ở Seatlle đã nộp 3 đơn kiện, 2 với Meta và 1 với TikTok, cáo buộc họ đã làm cho các em gái bị rối loạn ăn uống.

Mặc dù những công ty mạng xã hội đều khẳng định đã áp dụng các biện pháp ngăn chặn nội dung tiêu cực đó, bao gồm cả dán nhãn cảnh báo hoặc hạn chế độ tuổi tiếp cận, song dường như vẫn là chưa đủ.