Chuẩn bị kịch bản điều trị khi số ca F0 tăng thời gian tới

Thời gian tới, khi các địa phương tăng cường xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng thì sẽ phát hiện thêm các ca nhiễm, đẩy số ca nhiễm tiếp tục tăng.

Vì vậy, Bộ Y tế đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chuẩn bị kỹ các phương án điều trị với các kịch bản số ca nhiễm cao. Mục tiêu là phải giảm tối đa các trường hợp tử vong.

Theo Bộ trưởng Y tế, hiện nay, các trung tâm hồi sức tích cực do Bộ Y tế thiết lập đã đi vào hoạt động. Bộ đã ban hành hướng dẫn chi tiết các địa phương về kế hoạch xét nghiệm, căn cứ vào nguy cơ dịch bệnh trên từng địa bàn; triển khai chương trình điều trị tổng hợp có kiểm soát tại nhà; thiết lập mô hình trạm y tế lưu động…

Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố đặt mục tiêu trong giai đoạn từ 15/8 đến 31/8 phải giảm tối đa trường hợp tử vong, không để xảy ra trường hợp F0 chuyển nặng không được tiếp nhận điều trị; kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại một số quận, huyện.

Thành phố sẽ đánh giá nguy cơ dịch bệnh cụ thể tại các quận, huyện, thành phố Thủ Đức để có chiến lược xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, làm sạch, mở rộng “vùng xanh”, cô lập, thu hẹp “vùng đỏ”, để từ 1/9 đến 15/9, thành phố sẽ duy trì kiểm soát được lây nhiễm trong cộng đồng.

Ngoài ra, TP.HCM đề nghị hỗ trợ thêm hàng ngàn cán bộ y tế, hàng trăm đội lấy mẫu, xét nghiệm; một số xe xét nghiệm lưu động… Với tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19 hiện nay, đến cuối tháng 8, TP.HCM có thể đạt tỷ lệ 70% dân số được tiêm vaccine.

Thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, “ai ở đâu ở yên đó”

Sau khi nghe lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh báo cáo tình hình dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị TP.HCM thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, tuyệt đối “ai ở đâu thì ở đó”, người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, xã phường cách ly với xã phường, trong thời gian ít nhất 2 tuần tới.

Thủ tướng cũng lưu ý khi đã phong tỏa thì không để người dân nào bị đói, thiếu ăn, thiếu mặc; phải đáp ứng nhu cầu y tế thiết yếu của mọi người ở mọi lúc, mọi nơi; đảm bảo an ninh trật tự, an sinh xã hội.

Lãnh đạo Chính phủ cũng cho biết đã có thư kêu gọi 63 tỉnh, thành và đề nghị các địa phương đăng ký nhanh hỗ trợ TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam.

Ông cũng yêu cầu Bộ trưởng Y tế tổng hợp về lực lượng y tế, cần bao nhiêu bác sĩ thì phải có ngay cho TP.HCM.

Quân đội sẵn sàng tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa cho người dân

Thủ tưởng Phạm Minh Chính chỉ đạo xe vận tải của quân đội và công an phải tập trung để đưa hàng hóa đến các phường vì lấy phường là pháo đài, vấn đề tổ chức ở các phường thế nào để các lực lượng này phối hợp cho tốt.

Thủ tướng cũng đề nghị TP.HCM vận động người dân các tỉnh khác ở lại thành phố, không trở về vì việc ở lại chính là cứu mình. Các Bộ như: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công an, Quốc phòng được giao phối hợp với chính quyền thành phố đảm bảo cung ứng đầy đủ thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho những khu vực phong tỏa.

Đồng thời, có cơ chế huy động nguồn lực tư nhân như khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, nhà thuốc tư nhân trong phòng chống dịch. Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine và có thể huy động thêm lực lượng công an, quân đội để hỗ trợ.

Sau khi nghe ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết quân đội đã sẵn sàng triển khai lực lượng theo yêu cầu của TP.HCM và các tỉnh, trong đó có lực lượng y bác sĩ điều trị; tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa tới người dân...

Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với các bộ ngành làm việc trực tiếp, cụ thể với từng địa phương để tính toán phương án chi tiết cung ứng hàng hóa cho nhân dân TP.HCM và các tỉnh, cố gắng cao nhất để đáp ứng các yêu cầu “muôn hình vạn trạng” trong thực tiễn.