Ứng dụng công nghệ thông tin đã được ngành y tế sử dụng từ lâu nhưng đến năm 2020, công cuộc chuyển đổi số mới gặt hái được những thành công nhất định. 100% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, kết nối với Cổng thông tin dịch vụ công Quốc gia; chỉ trong thời gian ngắn, ngành y tế đã triển khai thành công khám chữa bệnh từ xa, kết nối hơn 1000 điểm cầu, dự kiến đến hết năm nay sẽ có hơn 1500 điểm cầu được kết nối hỗ trợ nâng cao trình độ chuyên môn của bác sĩ và giúp người dân được tiếp cận với dịch y tế chất lượng cao ngay tại tuyến cơ sở. Cũng trong năm 2020, ngành y tế đã triển khai Cổng công khai y tế với hơn 1.400 cơ sở y tế công khai giá dịch vụ, trang thiết bị y tế, kết quả đấu thầu; 50% nhà thuốc công khai giá thuốc, dược phẩm bán lẻ… Sắp tới, Bộ sẽ từng bước công khai tất cả điểm bán lẻ dược phẩm, giá thực phẩm chức năng, giúp người dân dễ dàng tra được giá thuốc, so sánh giá bán tại các cửa hàng để có lựa chọn phù hợp nhất, góp phần tạo ra một thị trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch. Đặc biệt, trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới triển khai phần mềm khai báo y tế góp phần vào thành công trong công tác kiểm soát dịch bệnh ở nước ta với mô hình tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục giảm 30% các thủ tục hành chính, giảm phiền hà và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi khám bệnh, mỗi người dân sẽ có một bác sĩ theo dõi riêng về sức khỏe.

Thời gian qua, các y bác sĩ ở trạm y tế tuyến xã, phường mất rất nhiều thời gian để viết bệnh án vào các quyển sổ giấy thì sắp tới đây, tất cả các giấy tờ này sẽ được bỏ, thay vào đó là bệnh án điện tử được thực hiện thông qua nền tảng V20 giúp các cơ sở y tế cả nước được kết nối, liên thông với nhau. “Từ giờ đến 1/7/2021 sẽ áp dụng ở tất cả các cơ sở y tế toàn quốc hồ sơ sức khỏe điện tử, kể cả hệ thống ngoài công lập cũng thực hiện. Chúng tôi đã thống nhất với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nếu cơ sở nào không áp dụng phần mềm này thì sẽ không được thanh toán bảo hiểm y tế” – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Như vậy, thời gian tới, một người ở tuyến xã, phường, nếu có triệu chứng mệt mỏi có thể thông qua ứng dụng CNTT để kết nối với bác sĩ và được thăm khám, đặt lịch khám trước với bệnh viện và thanh toán viện phí bằng hệ thống điện tử. Mỗi bệnh nhân sẽ có mã định danh, nếu đi khám ở bất cứ đâu, bác sĩ cũng có thể tra được lịch sử bệnh tình và có phương pháp điều trị hiệu quả. Qua đó, người dân cũng có thể tự quản lý sức khỏe của mình tốt hơn. Mô hình bác sĩ gia đình sẽ đổi mới, mỗi người dân sẽ có bác sĩ riêng theo dõi sức khỏe.

Trong chương trình của Hội nghị, Bộ Y tế đã cho ra mắt 3 nền tảng mới là mạng kết nối y tế Việt Nam (cho phép kết nối các cơ sở y tế trong cả nước), nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở V20 và nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương ngành y tế đã có nhiều nỗ lực trong cuộc cách mạng chuyển đổi số, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin không chỉ nhằm mục tiêu minh bạch hóa, giải trình của từng cơ sở y tế, mà đây thực sự là công cụ hữu hiệu trong phòng và chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo, bên cạnh những giải pháp thực hiện chuyển đổi số, ngành y tế cần có hành lang pháp lý, bổ sung thêm cơ chế tài chính để thực hiện chuyển đổi số thuận lợi hơn trong thời gian tới. Chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân, đó là mục đích lớn còn mục đích nhỏ là phục vụ cho quản lý của mình. Và, việc thực hiện chuyển đổi số phải được thực hiện một cách đồng bộ từ trung ương đến địa phương, bảo đảm công bằng về hưởng lợi các dịch vụ y tế giữa các vùng, miền.