Cụ thể, trong thông cáo có nêu: Bộ Y tế sẽ tiếp tục phân bổ các loại vắc xin phòng Covid-19 của AztraZenneca, Pfizer, Morderna, Sinopharm, Sputnik V….để tổ chức tiêm chủng theo chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 đã bắt đầu triển khai từ ngày 10/7/2021 đến hết tháng 4 năm 2022, với mục tiêu đạt được độ bao phủ vaccine cho hơn 70% người dân.

Căn cứ số lượng vaccine được cung ứng, Bộ Y tế sẽ hướng dẫn cho các địa phương. Theo đó, nếu thiếu vaccine thì ưu tiên sử dụng vaccine của Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vaccine AstraZeneca từ 8-12 tuần nếu người được tiêm chủng đồng ý. Những trường hợp tiêm trộn vaccine phải được theo dõi sức khỏe chặt chẽ hơn sau khi tiêm chủng.

Theo như thông báo này, người tiêm có quyền quyết định đồng ý hay không đồng ý tiêm trộn vacccine (trong trường hợp tại thời điểm nhắc lại đang thiếu loại vaccine đã tiêm mũi 1). Tuy nhiên, quy định này của Bộ Y tế có vẻ như ngược với thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra hôm qua - 13/7. WHO cho rằng: "việc tiêm kết hợp các loại vaccine phòng Covid-19 từ các nhà sản xuất khác nhau là xu hướng gây nguy hiểm đến sức khỏe”.

Các chuyên gia y tế nói gì về vấn đề này?

Trao đổi với PV VOV2, BS Trương Hữu Khanh – nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh , Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho biết, việc tiêm trộn hai loại vaccine Covid-19 vẫn đạt hiệu quả trong phòng chống lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Các tác dụng phụ nếu có xuất hiện thì đó là phản ứng thông thường của vaccine chứ không phải do việc tiêm hai loại vaccine gây ra.

Xu hướng tiêm trộn 2 loại vaccine Covid-19 là bình thường vì trong lịch sử tiêm vaccine phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, rubella, thủy đậu… người dân vẫn tiêm chéo một loại vaccine của hãng này với một loại vaccine của hãng khác trong trường hợp thiếu vaccine” – BS Trương Hữu Khanh dẫn chứng.

Còn bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hồng Hà – Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam thì cho rằng “hiện chưa có nghiên cứu nào về tác dụng phụ khi tiêm trộn lẫn hai loại vaccine, nhưng cũng không nên khuyến khích việc đó”, chỉ nên tiêm trộn lẫn hai loại vaccine trong trường hợp bất đắc dĩ, nghĩa là đã tiêm mũi thứ nhất là Astrazeneca, đến thời hạn tiêm mũi thứ hai mà không có vaccine cùng loại thì mới dùng loại vaccine khác thay thế – BS Nguyễn Hồng Hà khuyến cáo.

Hiện Việt Nam đang dùng 2 loại vaccine AztraZenneca, Pfizer còn vaccine Morderna và Spunik V sẽ được đưa vào tiêm chủng trong nay mai khi nguồn vaccine về… Mỗi loại vaccine đều có hướng dẫn sử dụng khác nhau.

Tuy nhiên, liên quan đến các loại vaccine này, BS Trương Hữu Khanh cho rằng, người dân lại đang có những cách hiểu chưa đúng về vaccine khi cho rằng, vaccine Astrazeneca chỉ đạt được 60-70% khả năng miễn dịch, trong khi vaccine Moderna và Pfizer đạt hiệu quả cao hơn nên có tâm lý muốn được tiêm vaccine Pfizer mũi 2 ngay cả khi chưa đến thời hạn tiêm. BS Trương Hữu Khanh khẳng định, tiêm như vậy sẽ không đạt khả năng miễn dịch tốt. “Astrazeca quy định mũi thứ hai phải sau mũi thứ nhất 1 là 12 tuần, khoảng cách này tạo miễn dịch tốt rất quan trọng. Nếu tiêm sớm hơn thời gian quy định thì sẽ không tạo được miễn dịch. Và, nếu có cùng loại vacccine để tiêm cho 2 mũi này thì sẽ tốt hơn, chỉ tiêm trộn khi không có cách lựa chọn nào khác”.

Tâm lý chờ đợi loại vaccine tốt hơn để tiêm cũng không nên vì nếu khoảng cách tiêm 2 mũi vaccine quá xa sẽ làm mất kháng thể vốn có trước đó. Tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nếu cơ thể không có kháng thể thì rất dễ nhiễm bệnh “Hiện nay, tất cả vaccine được Chính phủ cho phép nhập vào nước ta đều đạt chuẩn phòng ngừa trong chống dịch và lâu dài đều có hiệu quả bảo vệ khiến người đã tiêm nếu có mắc Covid cũng không bị nặng và không tử vong. Người dân không nên chọn lựa làm gì, và khi 60% dân số được tiêm thì sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng” – BS Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, cho đến ngày 14/7, tổng số mũi tiêm vaccine đã thực hiện là hơn 4 triệu, trong đó số người được tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca là hơn 3,7 triệu người, số người được tiêm đủ 2 mũi vaccine AstraZeneca là hơn 280 nghìn người.