Thứ nhất, bệnh đậu mùa khỉ không phải là bệnh dịch mới nổi như COVID-19, mà nó đã được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu.

Thứ hai, bệnh đậu mùa khỉ là bệnh lây truyền từ động vật sang người, người là ký chủ mắc bệnh vô tình. Sau khi lây truyền sang người, người bệnh sẽ lây sang người khác, nhưng lây không dễ dàng. Các nhà nghiên cứu khẳng định bệnh rất khó lây qua tiếp xúc thông thường. Chỉ khi tiếp xúc trực tiếp gần gũi, da kề da mới có khả năng lây nhiễm.

Nghiên cứu của CDC Mỹ có hơn 80% lây nhiễm ở đồng giới nam, quan hệ đồng giới qua cơ chế da kề da chứ không phải là tinh dịch. Riêng vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh sẽ dễ lây hơn. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong, sau khi sinh và cho con bú.

Thứ ba, bệnh đậu mùa khỉ không lây qua không khí. Khác với COVID-19, có thể lây qua giọt bắn hô hấp nhỏ như khí dung, đậu mùa khỉ lây qua những giọt bắn hô hấp lớn trong môi trường tiếp xúc gần gũi như người chăm sóc trực tiếp, bác sĩ, y tá.

Thứ tư, bệnh đậu mùa khỉ có tỷ lệ tử vong thấp, thấp hơn cả bệnh thủy đậu. Hiện nay có hai chủng, trong đó một chủng có nguồn gốc từ Congo (tỷ lệ tử vong là 10% nếu có người mắc phải) và một chủng khác lưu hành ở Tây Phi (tỷ lệ tử vong chỉ có 1%). Hiện chủng đang gây bệnh đậu mùa khỉ ở Anh và các nước ở châu Âu có nguồn gốc ở Tây Phi, với tỷ lệ tử vong thấp.

Tử vong chủ yếu là từ sự bội nhiễm vi khuẩn cơ hội theo vết thương da không được chăm sóc tốt, vi khuẩn vào tấn công cơ thể gây nhiễm trùng huyết hoặc viêm đa cơ quan. Một ít virus tấn công não gây viêm não màng não. Tử vong thường do biến chứng chứ không phải độc lực của virus đậu mùa khỉ.

Thứ năm, những người lớn tuổi, đã từng được "trồng trái" (tiêm phòng) bệnh đậu mùa thì đã có kháng thể một phần chống bệnh đậu mùa khỉ hiệu quả.

BS Nguyễn Thành Úc - Nguyên Phó trưởng khoa nhi -Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang