Khi bước qua ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, có những bệnh nhân đã tình nguyện ở lại chăm sóc và truyền khát vọng sống cho những người đang điều trị...Hà Ngọc Trường – một F0 từng điều trị tại Bệnh viện Covid-19 Củ Chi là một trong số những người như vậy.

Tôi hẹn trò chuyện với Trường vào 9h sáng của một ngày trong tuần. Nhưng rồi, cuộc hẹn cứ lần nữa bị lùi cho tới gần 23h đêm, bởi Trường bảo: bệnh nhân đông nên em bận quá.

Hôm nay, tính cả thời gian điều trị và thời gian tình nguyện ở lại cùng các y bác sĩ chăm sóc bệnh nhân, Trường đã ở Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi được hơn 2 tháng. Từ một bệnh nhân từng được các y bác sĩ điều trị và hỗ trợ tâm lý trong những lúc em hoang mang, tuyệt vọng nhất, giờ đây mỗi ngày bằng những gì mình đã trải qua, em nhen nhóm niềm hy vọng: Ngày mai rồi sẽ khác cho những bệnh nhân đang chuyển nặng

Trường chia sẻ, lúc nằm ở phòng hồi sức cấp cứu (ICU) đã có lúc tuyệt vọng vì không thở nổi, em thấy xung quanh mình các y bác sĩ làm việc không ngơi tay. Họ mặc đồ bảo hộ, đứng suốt 3-4h đồng hồ để níu giữ sự sống cho những người quá khó thở như em. 7 ngày miên man trong phòng Hồi sức tích cực, Trường và cả các y bác sĩ từng có lúc không có niềm tin rằng em có thể vượt qua. Nhưng sang ngày thứ 8 em tỉnh lại, khi được bác sĩ thông báo về tình trạng sức khỏe, em mới tin mình còn sống. Và, cũng tại thời điểm được “hồi sinh” đó Trường đã quyết định, khi nào khỏi bệnh sẽ ở lại nơi này cùng các y bác sĩ chăm sóc bệnh nhân.

Khi bệnh chuyển nhẹ, Trường được chuyển xuống nằm gần khu vực chạy thận nhân tạo. Xuống đây chứng kiến sự cô đơn của người bệnh, em càng quyết tâm sẽ ở lại phụ các bác sĩ chăm sóc bệnh nhân.

Từ một người chỉ biết lo cho bản thân, có những việc mà khi ở nhà em chưa từng làm cho ba mẹ thì ở trong này khi quanh mình có quá nhiều bệnh nhân chỉ có thể nằm một chỗ, em đã không nề hà chăm sóc họ như một điều dưỡng thực thụ.

"Khoa em cạnh khoa thận mà ở đó toàn bệnh nhân nặng, người liệt tay, người thì liệt chân, người thì không thể tự vệ sinh bản thân mình được, hàng ngày em lau người, thay bỉm, thay ga giường, gội đầu cho bệnh nhân...em làm miết đến quen rồi.."- Trường chia sẻ.

Cũng từng là bệnh nhân, từng trải qua cảm giác sợ hãi vì lúc bệnh nặng mà không có người thân ở bên, nên với những người được đưa vào đây mà chưa liên hệ được với gia đình, thông qua các y bác sĩ, Trường tìm được số điện thoại và đã làm cầu nối để họ được trò chuyện cùng gia đình.

Trường bảo rằng, có những người sau một cuộc điện thoại với người thân tinh thần của họ tốt lên rất nhiều. Dường như họ an tâm hơn để điều trị. "Nói chung ở trong này buồn vui đều có, có những người được đưa vào đây mà không biết con cái mình hiện giờ ra sao. Cũng có những người tội lắm, khi họ trở nặng sắp mất, em ở bên cạnh, họ nói với em nhiều câu thật lòng, thương lắm".

Nhà Trường ở quận 1 TP HCM, cách nơi em đang tình nguyện ở lại khoảng 30 cây số. Gia đình có 5 người thì cả 5 đều mắc Covid-19, trong đó, mẹ em bị nặng nhất phải điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Có lẽ, trong cuộc đời mình em sẽ chẳng thể quên cái ngày mẹ được đưa lên xe cứu thương chở đến cơ sở điều trị, bởi đó cũng là lần cuối cùng em được nhìn thấy mẹ...

Giờ đây ở Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ chi, Trường bảo rằng, mỗi khi đút cháo, thay bỉm cho những bệnh nhân nặng em rất nhớ mẹ. Covid-19 đã mang mẹ em đi khi bên cạnh không có người thân. Vì thế, với những người trở nặng, sắp mất em thường dành nhiều thời gian ở bên để ít nhất họ không có cảm giác cô quạnh khi ra đi.

Kết thúc cuộc trò chuyện với tôi đồng hồ trên tường đang dần nhích sang một ngày mới, Trường khẽ nói: “đêm nay em vẫn sẽ chưa được ngủ ngon vì ở đây còn nhiều bệnh nhân nặng cần em giúp đỡ”.

Công việc của Trường thường bắt đầu lúc 9h sáng và kết thúc lúc 10-11h đêm. "Hôm nào có bệnh nhân nặng em thức đến 1-2h sáng, thậm chí 4-5h sáng luôn. Ngày nào êm êm thì em ngủ đến 1-2h sáng rồi dậy đi coi bình ô xy, nếu gần hết em thay cho họ dễ thở…" Trường bảo rằng em sẽ ở lại đây cho đến khi nào hết dịch bởi: nếu em về ai sẽ giúp bệnh nhân….