Nghe chương trình tại đây:
Ký ức khó phai
Ở tuổi 17-18, ông Nguyễn Chí Nguyện quê ở Thanh Hóa chính thức tham gia quân đội. Và tiếp đó là dãy dài các trận đánh đi suốt năm tháng tuổi trẻ: Chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch mùa xuân 1975, chiến tranh Biên giới...Và nay ở tuổi 95, ông luôn tự hào khi khoác trên mình màu áo lính với hàm Đại tá.
"Tôi nghe tin trên báo đài thấy nhiều đồng chí đang ở tuổi thanh niên tham gia quân đội mà không sợ hy sinh. Có nhiều đồng chí đã hy sinh, gia đình còn không nhận được tin." - Vì thế, ông tham gia quân ngũ với tinh thần tự nguyện.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ông Nguyện là đại đội phó thuộc Đại đoàn 308 (Sư đoàn quân tiên phong) do ông Vương Thừa Vũ làm đại đoàn trưởng. "Khi gặp đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ, ông ấy nói rằng bây giờ đã hoàn thành nhiệm vụ giúp bạn Lào rồi, giờ về Điện Biên thì các đồng chí phải phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, vượt mọi khó khăn, dù khó mấy cũng vượt"- ông nhớ lại.
Nhà thơ Tố Hữu đã khắc họa bộ đội ta ở chiến dịch lịch sử “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt…”, dù 70 năm trôi qua, những ngày tháng đào hầm, ngủ hầm vẫn hằn in trong trí nhớ người lính già. "Chúng tôi mỗi người là phải đào núi dài 3m, sâu 1m8, đào và chiến đấu gần 36 ngày đêm cho tới gần hầm Đờ Cát. Khi còn cách hầm Đờ Cát 200m, quân Pháp không kịp trở tay thì quân đội ta đã bao vay hết rồi" .
Rét, sương mù miền núi 4 giờ chiều đã giăng đầy lối đi. Trong suốt 56 ngày đêm, 4 giờ sáng quân ta đi đào hầm, tối về không được tắm giặt vì mệt, lau qua người rồi ngủ nên nhiều đồng chí bị ghẻ lở. "Chỉ ăn lương khô, uống nước lã, vất vả người nó cũng mệt mỏi. Lúc đó chúng tôi khoảng 20 tuổi, nhiều thì 24 tuổi nên sức chịu đựng cao" - Lịch sử đã tạo nên những anh hùng từ những người nông dân, áo vải chứ không phải nhân vật có sẵn sức mạnh siêu nhân.
Chưa bao giờ họ nguôi tắt niềm tin chiến dịch này sẽ thắng. "Bác Hồ nói là giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp - anh cả Quân đội nhân dân Việt Nam nếu mà chắc thắng thì đánh. Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong. Kết quả Pháp vẫn phải ra đầu hàng vô điều kiện" - ông Nguyện chia sẻ. Ông đã vinh dự được kết nạp Đảng ngay tại chiến địa Điện Biên Phủ.
Ở tuổi 95, Đại tá Nguyễn Chí Nguyện vẫn minh mẫn, giọng ông sang sảng khi nói về chuyện xưa. Chị Nguyễn Thanh Tâm cháu nội của ông Nguyện kể rằng, nói chuyện lịch sử là "tiết mục" không thể thiếu trong gia đình. "Ông hay kể chuyện lắm. Không chỉ là chiến dịch Điện Biên Phủ mà còn nhiều chiến dịch khác nữa đấy. Ông kể chuyện rất là nhỏ thôi, không có cái gì to tát nhưng đủ cho con cháu biết thời kỳ đó gian khổ như thế nào, từ đấy mình quý trọng sự tự do ngày hôm nay".
Đại tá Nguyễn Chí Nguyện đã được Nhà nước tặng 16 huân, huy chương, 80 bằng khen và 16 lần nhận chiến sĩ thi đua. Huân chương cao nhất là Huân chương Quân công hạng Nhì do Hội đồng Nhà nước tặng năm 1984. Cuộc đời binh nghiệp của mình, ông tự hào nhất là được gặp Bác Hồ. Đó là khi đại đoàn 308 về tiếp quản Thủ đô, dừng chân tại đền Hùng được nghe Bác căn dặn: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
Tin ở thế hệ trẻ
Lịch sử dân tộc ghi nhận sự đóng góp của Nhân dân trong các cuộc trường kỳ kháng chiến giành độc lập, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là vai trò của thanh niên. Cựu binh Nguyễn Công Dinh - người đưa mật thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Bác Hồ để xin chuyển phương châm tác chiến từ "đánh nhanh" sang "đánh chắc", nhớ lại: "Lực lượng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ như là dân công, quân đội, hỏa tuyến...đại bộ phận là thanh niên. Thanh niên đã đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp bảo vệ xây dựng Tổ quốc của chúng ta".
Trò chuyện với hơn 500 cán bộ Đoàn, thanh niên, sinh viên tại toạ đàm "Từ khát vọng độc lập đến mục tiêu hùng cường" (ngày 6/5), cựu chiến binh Nguyễn Công Dinh nhắc lại lời nói của Bác: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà…”.
"Mong rằng thanh niên theo gương học tập người đi trước, đồng thời phát huy thêm sáng kiến để bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ Nhân dân" - ông Dinh nhắn gửi tuổi trẻ.
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng, mỗi người lớn tuổi là một pho sử và thế hệ trẻ sẽ không bao giờ quên. "Tôi hoàn toàn trao gửi niềm tin vào thế hệ trẻ. Đành rằng mỗi thế hệ, trong tập thể sẽ có người này người kia. Trong dòng chảy lịch sử, quá khứ - hiện tại - tương lai - luôn gặp nhau trên đường ta tiến tới và lịch sử không chỉ phản chiếu những điều đã qua mà dự báo cả tương lai…".
Những thách thức đặt ra cho tuổi trẻ hiện nay có thể tạo ra những áp lực và khó khăn mà thế hệ trước chưa từng đối mặt. Nhưng tuổi trẻ ngày nay cũng có những cơ hội và công cụ mạnh mẽ hơn để tham gia và tác động vào xã hội, nhờ vào sự kết nối qua mạng và quyền lực của ngôn từ trong không gian trực tuyến. Vậy nên, Đại tá Nguyễn Văn Sáu vẫn tin rằng lịch sử của cha anh sẽ là động lực để các thế hệ nối tiếp nhau viết tiếp trang sử vẻ vang của dân tộc. "Thế hệ trẻ phải ứng biến với thời đại vậy nên phải có tri thức, nghị lực, tiên phong và quan trọng là khiêm tốn học hỏi" - Đại tá, PGS.TS Nguyễn Văn Sáu - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam nhắn nhủ.
Thời gian trôi đi, có thể những con người ấy, tiếng nói ấy sẽ lùi vào dĩ vãng. Thế nhưng, những cống hiến thầm lặng của họ cho đất nước vẫn còn gìn giữ trong mỗi gia đình. Đó chính là sự nối tiếp của lịch sử./.