Vừa qua, Thanh tra Bộ Giáo dục và đào tạo kết luận trong giai đoạn từ ngày 1/1/2022 đến ngày 9/9/2022 và từ ngày 16/9/2022 đến ngày 16/11/2022, công ty TNHH IDP Việt Nam đã liên kết tổ chức thi, cấp hơn 56.000 chứng chỉ IELTS cho người học khi chưa được cơ quan chức năng cho phép.
Cùng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2022, Hội đồng Anh Việt Nam cũng liên kết tổ chức thi và cấp hơn 90.000 chứng chỉ cho người thi khi chưa được cấp phép.
Dù chứng chỉ IELTS được cấp trong giai đoạn này vẫn được hơn 12.000 tổ chức trên toàn cầu công nhận, những thí sinh tham gia thi và nhận chứng chỉ IELTS đã dùng kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chúng ta đã rất lỏng lẻo trong công tác quản lý, cấp phép, kiểm tra, giám sát các tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình họ tổ chức các hoạt động liên kết thi và cấp chứng chỉ quốc tế.
Nhân sự việc này, phóng viên VOV2 đã phỏng vấn TS Lê Mỹ Phong - Phó Cục Trưởng Cục quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phóng viên: Thưa Phó Cục trưởng, ở Việt Nam hiện nay có bao nhiêu đơn vị tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế? Bộ GD-ĐT có hình thức nào để quản lý các đơn vị này ?
TS Lê Mỹ Phong: Tính đến tháng 5/2024, Bộ GD-ĐT đã phê duyệt cho hơn 80 đơn vị liên kết với các tổ chức nước ngoài thi và cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ với 200 địa điểm tổ chức thi (các ngôn ngữ tiếng Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn, Đức, Hoa).
Theo quy định, sau khi được phê duyệt liên kết, các bên liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài có trách nhiệm: cung cấp đầy đủ và rõ ràng các thông tin liên quan đến liên kết trên trang thông tin điện tử của cơ sở liên kết và chịu trách nhiệm về sự chính xác của những thông tin này; tổ chức thực hiện đúng đề án liên kết, bảo đảm việc tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ đúng quy định, không có gian lận; chịu trách nhiệm về giá trị pháp lý của chứng chỉ của nước ngoài cấp cho người học; thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Đơn vị tổ chức thi phía Việt Nam phải thông báo bằng văn bản lịch tổ chức thi cho Sở GD-ĐT trước 5 ngày tính đến ngày tổ chức thi để được thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Bộ GD-ĐT đã đôn đốc các Sở GD-ĐT tăng cường công tác quản lý chất lượng trong đó có việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ trên địa bàn.
Đồng thời, Bộ cũng đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện việc thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc tổ chức thi của các đơn vị nhằm bảo đảm việc tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng các kỳ thi và quyền lợi của người dự thi.
Phóng viên: Đối với những người tham gia thi và nhận chứng chỉ từ công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam và Hội đồng Anh liệu có ảnh hưởng gì không? Nhất là khi họ đã sử dụng chứng chỉ này để xét vào các trường ĐH trong nước cũng như quốc tế?
TS Lê Mỹ Phong: Năm 2023, Cục Quản lý chất lượng đã ban hành Công văn số 889/QLCL-QLVBCC ngày 09/6/2023 về việc hướng dẫn xác minh chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài và Công văn số 999/QLCL-QLVBCC ngày 15/6/2023 về việc sử dụng chứng chỉ để miễn bài thi ngoại ngữ trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Như vậy, các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài do các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp, khi đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng, sẽ tiếp tục được sử dụng bình thường theo quy định của Bộ GD-ĐT về thi, tuyển sinh và đào tạo, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người được cấp chứng chỉ.
Phóng viên: Từ những sai phạm của công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam, Công ty TNHH British Council (Việt Nam), Phó Cục trưởng có lưu ý gì đối với thí sinh khi lựa chọn đơn vị tổ chức thi và cấp chứng chỉ quốc tế ?
TS Lê Mỹ Phong: Các đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt liên kết tổ chức thi và các địa điểm tổ chức thi được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và trang thông tin điện tử của Cục Quản lý chất lượng. Vì vậy người có nhu cầu thi chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài nên tham khảo các thông tin đó để có lựa chọn phù hợp nhất cho mình.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn TS Lê Mỹ Phong!