Hiện nay, Bệnh viện dã chiến số 2 (Khu tái định cư 12 tầng, Phường Tân Thới Nhất, Quận 12) có hơn 250 cán bộ nhân viên y tế của nhiều bệnh viện trong thành phố làm việc. Trong đó có đoàn 55 bác sĩ và điều dưỡng của bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh.

Khi đến bệnh viện, chúng tôi được nghe rất nhiều câu chuyện về những nhân viên y tế quyết gác lại việc riêng của gia đình để sát cánh cùng đồng đội trong trận chiến đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Một trong số đó là câu chuyện của điều dưỡng Trần Thanh Huyền (42 tuổi). Mẹ chị bị bệnh đái tháo đường hơn 30 năm. Thời gian vừa qua, bà đã phải nhập viện cấp cứu do biến chứng của bệnh. Được lãnh đạo tạo điều kiện cho về nhà chăm sóc mẹ nhưng chỉ sau 1 ngày, sau khi sức khỏe của bà ổn định, chị Huyền đã quay lại bệnh viện, cùng đồng đội chiến đấu với dịch bệnh.

BSCKI. Nguyễn Quốc Khánh, Đội phó đội xung kích BV Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM chia sẻ: “Ngay sau khi nhận được thông tin, chúng tôi có xin với Ban giám đốc Bệnh viện rút chị Huyền về để lo việc gia đình vì mẹ chị ấy cấp cứu. Tuy nhiên khi về đến nhà lo cho sức khỏe của bác ổn định, chị Huyền lập tức lên xe quay trở lại bệnh viện để cùng anh em chiến đấu tiếp. Điều này khiến chúng tôi rất bất ngờ và ghi nhận tinh thần của chị, trong lúc khó khăn không ai bỏ lại ai”.

Bên cạnh điều dưỡng Huyền không chỉ có đồng nghiệp mà gia đình cũng luôn ủng hộ và là hậu phương vững chắc để chị hoàn thành tốt công việc: “Mọi người trong gia đình luôn động viên tôi cố gắng, giữ gìn sức khỏe và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trước khi đi chống dịch, tôi cũng cố gắng thu xếp công việc nhà, hai con nhỏ ở nhà cùng ba. Tôi có dặn các bé khi mẹ vắng nhà phải tự chăm sóc bản thân, nghe lời và chăm chỉ học tập…” - điều dưỡng Huyền chia sẻ.

Đồng nghiệp cùng tác chiến với điều dưỡng Trần Thanh Huyền còn có điều dưỡng Phạm Nguyễn Phương Linh. 2 năm nay, chị chưa về quê thăm gia đình, cũng từ rất lâu chị chưa gặp bạn bè, người quen.

Chị Linh cho biết, từ đầu tháng 6 khi bùng dịch, theo chỉ đạo của Sở Y tế, BV Răng hàm mặt Trung ương thành phố đã thành lập rất nhiều đội lấy mẫu cộng đồng, với tên gọi “những bàn chân không nghỉ” đi khắp TP Hồ Chí Minh. Và, không một chút do dự, chị đã đăng kí ngay vào Bệnh viện dã chiến số 2 để hỗ trợ chống dịch.

Trước khi vào đây chị Linh đã hình dung ra được công việc và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng. Từ việc phải vừa phải mang khẩu trang dày, vừa phải mặc những bộ đồ bảo hộ kín mít trong thời gian rất dài dẫn đến việc khó thở, nóng, mệt.

Điều dưỡng Linh chia sẻ, những ngày đầu tham gia chống dịch chưa quen, trong đoàn có đồng nghiệp thường khóc vì nhớ nhà, nhớ con nhưng sau khi được động viên tâm lý cũng dần ổn định. Giờ các chị đều động viên nhau cố gắng chiến đấu, dập dịch để sớm trở về với gia đình.

Làm trong môi trường phơi nhiễm cao, khi nghe tin đồng nghiệp trở thành F0 ai nấy đều đau lòng, đã có suy nghĩ thoáng lên “một ngày nào đó có tới lượt mình hay không?”. Và rồi các chị lại cùng nhắc nhau làm việc phải cẩn thận, nỗ lực hơn nữa vượt qua giai đoạn khó khăn.

Cứ 5 ngày cán bộ, nhân viên y tế tại bệnh viện dã chiến số 2 lại xét nghiệm định kì một lần, khi ngồi đợi kết quả ai cũng lo lắng, thời gian ngồi đợi ai cũng sợ, tự nhắn tin trấn an nhau “chắc sẽ ổn thôi”. Khi có kết quả âm tính mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.

Điều chúng tôi mong muốn nhất ở thời điểm này là nhanh hết dịch, mọi người được về nhà, ai cũng khỏe mạnh và không có bệnh nhân tử vong. Hết dịch, tôi sẽ mời mọi người đến nhà liên hoan một bữa vì lâu lắm rồi, 2 năm nay tôi gần như ở riêng, không có giao lưu, gặp gỡ gia đình, bạn bè…”, điều dưỡng Linh cho biết.

Chị còn lạc quan rằng: “Vì mình còn trẻ nên cứ cống hiến, làm việc hết mình. Từ việc đi lấy mẫu cộng đồng và hiện tại là chăm sóc các bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến số 2, tất cả đều không làm khó được chúng tôi”.

Trong những ngày dịch bệnh Covid-19 đang căng thẳng tại TP. Hồ Chí Minh, câu chuyện về các y bác sĩ, nhân viên y tế gác lại chuyện riêng, xung phong vào điểm nóng khiến chúng ta cảm thấy càng ấm lòng và tự hào hơn. Cố lên nhé, dịch rồi sẽ qua thôi!