Trẻ béo phì có nên uống sữa không?

Khi có con bị béo phì bố mẹ luôn nghĩ rằng những bữa ăn thêm làm trẻ tăng cân. Vì thế thường loại bỏ sữa nước, sữa chua, phomai ra khỏi khẩu phần ăn. Đây là một sự điều chỉnh không hợp lý – PGS.TS Lê Bạch Mai - nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng TƯ nhấn mạnh.

Trẻ thừa cân béo phì theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới nghĩa là dư thừa mỡ quá mức cần thiết, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Việc tích mỡ là do cân bằng năng lượng dương tính, nghĩa là khẩu phần ăn vào lớn hơn năng lượng tiêu hao. Vì vậy năng lượng ăn vào của trẻ mỗi ngày không chỉ đến từ sữa, mà với khẩu phần của trẻ Việt Nam, năng lượng từ sữa không nhiều. Một số điều tra cho thấy, lượng sữa tiêu thụ trung bình của trẻ em Việt Nam chỉ vào khoảng 256ml/ngày.

Phụ huynh cần cắt nguồn năng lượng rỗng từ đồ ăn vặt, bánh kẹo, nước ngọt, các loại thức ăn nhanh, đồ chiên, da heo, da gà… để kiểm soát cân nặng cho trẻ.

Việc loại bỏ sữa và các chế phẩm từ sữa ra khỏi khẩu phần ăn của trẻ là 1 sự điều chỉnh không hợp lý mà còn làm giảm nguyên liệu tăng chiều cao. Vì sữa và chế phẩm sữa rất giàu canxi và là nguồn canxi có giá trị sinh học cao.

Khuyến nghị sử dụng sữa và chế phẩm sữa cho trẻ em:

Trẻ 3-5 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 4 đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa, tương đương 15g phô mai (1 miếng phô mai), 100ml sữa chua (1 hộp sữa chua) và 200ml sữa dạng lỏng (2 ly sữa nhỏ).

Trẻ 6-7 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 4,5 đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa, tương đương 15g phô mai (1 miếng phô mai), 100ml sữa chua (1 hộp sữa chua) và 250ml sữa dạng lỏng (2,5 ly sữa nhỏ).

Trẻ 8-9 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 5 đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa, tương đương 30g phô mai (2 miếng phô mai), 100ml sữa chua (1 hộp sữa chua) và 200ml sữa dạng lỏng (2 ly sữa nhỏ).

Trẻ 10-19 tuổi mỗi ngày nên sử dụng 6 đơn vị ăn sữa và chế phẩm sữa, tương đương 30g phô mai (2 miếng phô mai), 200ml sữa chua (2 hộp sữa chua) và 200ml sữa dạng lỏng (2 ly sữa nhỏ).

Lưu ý lựa chọn sữa và chế phẩm sữa cho trẻ

Trẻ em: Trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn từ sơ sinh cho đến khi tròn 6 tháng tuổi, sau đó ăn bổ sung hợp lý kết hợp với bú mẹ đến 2 tuổi hoặc lâu hơn

Đối với trẻ trên 2 tuổi: Lựa chọn sữa và chế phẩm sữa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ. Nếu trẻ có nguy cơ thừa cân, béo phì nên chọn sữa và chế phẩm sữa có hàm lượng chất béo thấp hoặc đã được tách béo

Trẻ em trên 6 tháng tuổi có thể sử dụng sữa chua. Khi bắt đầu cho trẻ ăn nên tập cho trẻ ăn từ ít đến nhiều. Sữa chua rất tốt cho trẻ bị tiêu chảy kéo dài hoặc táo bón.

Trẻ em trên 6 tháng có thể sử dụng phô mai trực tiếp hoặc cho vào bột, cháo. Trẻ lớn hơn 2 tuổi có thể ăn trực tiếp, ăn với bánh mì hoặc chế biến các món ăn sau: Bánh sữa phô mai, súp nấm phô mai, đậu phụ nhồi thịt phô mai.