Theo PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê, hậu COVID-19 xảy ra ở người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2, thường là 3 tháng kể từ khi bắt đầu mắc COVID-19 với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế. Hậu COVID-19 có thể khiến sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội của người bị mắc COVID-19. Họ bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho hay, không giống một số hội chứng hậu bệnh lý khác có xu hướng chỉ xảy ra ở những người đã bị bệnh nặng, hậu COVID-19 có thể xảy ra với bất kỳ người nào đã mắc COVID-19, ngay cả khi bị bệnh nhẹ.

"Thậm chí trong thời gian mắc bệnh, họ không có triệu chứng thì vẫn có thể bị hậu COVID-19 và nó có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em"- Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nói và cho biết thêm, thực tiễn cho thấy, với bệnh nhân mắc COVID-19 mức độ nặng/nguy kịch, cần can thiệp y tế nhiều trong giai đoạn điều trị chính của bệnh, những người có bệnh nền thì các vấn đề về hậu COVID-19 sẽ nhiều và trầm trọng hơn.

Tuy nhiên, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cũng cảnh báo không ít trường hợp bác sĩ hẹn khám lại nhưng không tới khám, trong khi đó lại uống thuốc không rõ nguồn gốc trên mạng khiến tình trạng sức khỏe càng thêm yếu hơn.

Người có bệnh nền, người mắc COVID-19 trở nặng, nguy kịch, người cao tuổi cần đi khám hậu COVID-19. Những người mắc COVID-19 nhẹ, không triệu chứng cũng cần đi khám nếu những di chứng hậu COVID-19 ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt, sức khỏe. Đặc biệt cần nhấn mạnh, đó là những người có chỉ định tái khám sau COVID-19 của bác sĩ cần tới khám đúng lịch hẹn.