Trái cây thì bị tiêm thuốc làm chín, rau xanh thì phun thuốc trừ sâu, các loại thịt cá thì có chất bảo quản, chất tạo nạc, tồn dư kháng sinh… hàng trăm mối lo bủa vây bữa ăn hàng ngày, khiến người nội trợ hết sức lo lắng.
Tình trạng sử dụng hóa chất để thúc trái cây chín được cảnh báo từ lâu. Nhưng theo PGS.TS Hoàng Thị Lệ Hằng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, không dễ để chấm dứt tình trạng này, vì giá thành của các loại hóa chất này quá rẻ.
"Đu đủ là quả có tính chín tiếp, sau thu hoạch vẫn chín, vì vậy, hóa chất cho đu đủ chín có khí ethylen, nhưng giá rất đắt, vì thế người dân thuốc thúc chín của Trung Quốc, hoặc kích thích tố dùng cho mủ cao su. Những chất này hiện không được khuyến cáo sử dụng. Nước ta có sản xuất thiết bị tạo khí ethylen làm chín trái cây nhưng giá thành khá cao nên người dân không muốn đầu tư", TS Hoàng Thị Lệ Hằng cho hay.
Sợ nhưng vẫn phải ăn – đó là một thực tế mà ai cũng phải tặc lưỡi. Một số người tìm giải pháp ở các siêu thị, các cửa hàng thực phẩm an toàn nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện. Nỗi lo về hóa chất độc hại có trong thực phẩm vì thế vẫn bủa vây, không dứt.
Chính vì vậy, để loại bỏ các độc tố ở rau củ quả, người dân vẫn sử dụng hình thức ngâm rửa bằng nước muối, giấm hay baking soda. Theo PGS-TS Lê Đăng Quang- Viện Kỹ thuật nhiệt đới- Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, việc làm này chưa chắc mang lại hiệu quả. “Vì nước muối nồng độ càng cao thì các hoá chất sẽ càng khó tan, nước muối chỉ có tác dụng sát khuẩn chứ không có tác dụng loại bỏ hoá chất. Trong môi trường nước muối dùng để rửa thì vi khuẩn bị ức chế phát triển chứ không tiêu diệt được. Có thể sau khi vớt ra thì vi khuẩn sẽ phát triển lại bình thường. Ngoài ra, các chất nằm trong sâu thân cây, trong các mô thịt, hoặc mỡ như thuốc bảo vệ thực vật dạng nội hấp (sau khi phun sẽ đi vào bên trong thân cây) hoặc các chất tạo nạc như salbutamol thì không thể loại bỏ bằng cách rửa”, TS Lê Đăng Quang cho biết.
Theo lời khuyên của PGS-TS Lê Đăng Quang, rau củ quả khi mua về, chúng ta nên nhặt sạch, ngâm qua nước và sau đó rửa từng lá rau, cọng rau dưới vòi nước chảy. Các cành rau nhỏ phải rửa nhiều lần và sau đó rửa lại từng ít một dưới vòi nước chảy.
“Tuy nhiên, cũng không thể chủ quan vì rất có thể các loại rau quả bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật do thu hoạch quá sớm hoặc ngâm chất bảo quản. Do vậy, sau khi mua về không nên ăn liền mà hãy ngâm lại bằng dung dịch làm sạch với nước sạch trong vài phút, sau đó hãy mang ra chế biến. Việc làm này sẽ giúp loại bỏ các chất độc hại và bảo quản quả được lâu hơn”, TS Quang chia sẻ.
“Dung dịch có thể rửa được vi sinh vật và hóa chất trên bề mặt. Tuy nhiên cần tránh các dung dịch chứa hóa chất để tẩy rửa bởi rất có thể hóa chất đó còn có độc tính nguy hại khác”- TS Lê Đăng Quang khuyến cáo.
Ngoài việc ngâm rửa bằng nước và nước muối, người dân vẫn truyền tai nhau kinh nghiệm loại bỏ độc tố trên thực phẩm bằng nhiệt như phơi nắng hay chần qua nước sôi. Theo PGS-TS Lê Đăng Quang, khi chần nước sôi, miếng thịt sẽ co lại, chất bẩn không tan được và chất độc hại sẽ nằm lại trong miếng thịt. Chần nước sôi không những không khử được chất độc mà còn làm cho độc tố tăng lên. Người ta chỉ dùng nước sôi trong trường hợp để khử trùng vì miếng thịt nếu chẳng may nhiễm trùng thì có thể đun thật kỹ, lúc đó vi khuẩn sẽ chết và sử dụng miếng thịt được an toàn hơn.
Những thực phẩm chứa vitamin và các chất dinh dưỡng khác dễ biến tính bởi nhiệt độ thì sẽ không sử dụng nhiệt để loại bỏ hóa chất có hại trong thực phẩm được.
“Nhiệt ở nhiệt độ cao (uống sôi, 100°C) chỉ giải quyết vấn đề diệt vi sinh vật như vi nấm, vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng hoặc trứng ký sinh trùng. Nhiệt có thể làm biến tính một số hóa chất (nhưng không nhiều) vì rất nhiều hợp chất hữu cơ bền nhiệt khi nhiệt độ dưới 100°C. Do vậy khả năng dùng nước nóng cũng rất hạn chế nếu hóa chất nằm bên trong thực phẩm”, TS Lê Đăng Quang nói.
Theo chuyên gia, thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc, thực phẩm hết hạn sử dụng… được xem là mối nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế, khi có dấu hiệu nghi ngờ thực phẩm đã bị tạp nhiễm hóa chất và vi sinh vật, thực phẩm không đảm bảo chất lượng người tiêu dùng nên kiên quyết không sử dụng.
“Cần sử dụng thực phẩm hữu cơ (canh tác hữu cơ, đúng quy trình trồng trọt và chăn nuôi, không sử dụng chất cấm), mua thực phẩm có nguồn gốc (của các hợp tác xã hoặc hộ gia đình có uy tín chất lượng) đồ hộp hoặc làm sẵn thì nên chọn của các công ty và thương hiệu lớn, uy tín có đầy đủ kiểm định chất lượng thực phẩm và giấy phép kinh doanh. Mua thực phẩm còn hạn sử dụng để đảm bảo chất lượng”, TS Lê Đăng Quang khuyến cáo.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác kiểm soát chất lượng thực phẩm, kịp thời phát hiện và tiêu hủy các thực phẩm không đảm bảo an toàn chất lượng, để bảo vệ sức khỏe người dân.