Trong các bệnh không lây nhiễm, vấn đề rối loạn tâm thần rất phổ biến, đang có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có khoảng 29% số người bị rối loạn tâm thần và chỉ 1/3 số người bị trầm cảm được chăm sóc sức khỏe tâm thần chính thức, như vậy còn khoảng trống khá lớn về dịch vụ chăm sóc các vấn đề sức khỏe tâm thần hiệu quả.

Các tuyến huyện hầu như không cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh nội trú về tâm thần; việc lồng ghép chăm sóc sức khỏe tâm thần trong chăm sóc sức khoẻ chung, nhất là chăm sóc sức khỏe ban đầu còn nhiều hạn chế, hầu như chỉ cơ sở chuyên khoa tâm thần cung cấp dịch vụ, hầu hết các bệnh viện chuyên khoa như nhi, sản - nhi, lão khoa không có khoa tâm thần, nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe tâm thần còn thiếu và phân bổ không đồng đều trên các vùng trong cả nước...

Hiện hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần trong cả nước có 2 bệnh viện tâm thần ở tuyến trung ương là Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 cùng với Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia. Tại tuyến tỉnh, hiện có 43 tỉnh/thành phố có Bệnh viện tâm thần, số còn lại là khoa tâm thần trong bệnh viện đa khoa và trung tâm phòng chống bệnh xã hội của tỉnh.

Tại tuyến quận huyện có nhiều bác sĩ được tập huấn về công tác sức khỏe tâm thần. Tuyến xã, phường tập trung nhiều vào quản lý danh sách người bệnh tâm thần, chủ yếu là cấp thuốc điều trị tâm thần theo chỉ định của tuyến trên, không thực hiện công việc khám, chẩn đoán, kê đơn điều trị rối loạn tâm thần.

Mạng lưới chăm sóc sức khoẻ tâm thần ở nước ta vẫn còn thiếu. Cả nước hiện có 605 bác sĩ tâm thần, đạt 0,62 bác sĩ/100.000 dân, thấp hơn so với mức trung bình toàn cầu là 1,7.

Còn điều dưỡng, chỉ số này chỉ 3, cũng thấp hơn trung bình toàn cầu (3,8). 37 tỉnh thành, phố không có nhân viên tâm lý lâm sàng. Vì vậy, cần thiết mở rộng bao phủ cung ứng dịch vụ, đồng thời chuyển đổi mô hình lồng ghép, chăm sóc bệnh nhân tâm thần dựa vào cộng đồng.