150 người ở Sóc Trăng, hơn 300 người ở Khánh Hòa, gần 600 người ở Đồng nai và hơn 430 người ở Vĩnh Phúc - đây là số nạn nhân bị ngộ độc thực phẩm chỉ trong vài tháng trở lại đây. Điều đáng nói, hầu hết những vụ việc này đều không truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu mà chỉ tìm ra nguyên nhân do thực phẩm nhiễm các loại vi khuẩn, virus có hại.
Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Văn Khảm, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nước ta đã có đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, tuy nhiên, số người bị ngộ độc thực phẩm qua hàng năm không giảm mà có xu hướng tăng cao. Đơn cử, trong 5 tháng đầu năm 2024 cả nước đã có hơn 2 nghìn người bị ngộ độc thực phẩm, tăng 200% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, công tác quản lý ATTP đã được quan tâm?
“ATTP xảy ra ở mọi nơi với quy mô lớn, nguyên nhân từ thực phẩm bẩn, quy trình chế biến chưa đảm bảo. Vậy việc kiểm tra kiểm soát đã thực sự nghiêm minh, đủ sức răn đe chưa? Vì khi doanh nghiệp nhập lậu thực phẩm bẩn nhưng chỉ bị xử lý ở một mức độ nhất định và sau đó họ lại tiếp tục tái phải. Vậy các chế tài hiện đã mang lại hiệu quả? Đòi hỏi sự vào cuộc đánh giá cụ thể của cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương phải đảm bảo thường xuyên liên tục vì thực phẩm là vấn đề hàng ngày chứ phải phải một chốc một lát...”- Đại biểu Lê Văn Khảm bày tỏ lo ngại về vấn đề ATTP hiện nay.
Thực tế, các vụ việc ngộ độc thực phẩm xảy ra trong cộng đồng, từ những bữa cơm của gia đình hay thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể nhưng hiện nay công tác quản lý ATTP ở các cấp chính quyền chưa đồng bộ, đặc biệt ở cấp quận, huyện, xã, phường còn thiếu hụt lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, cho biết hiện ở mỗi địa phương lại có một mô hình quản lý ATTP khác nhau, ví dụ như TP HCM có Sở ATTP, tỉnh Bắc Ninh và Đà Nẵng lại thành lập Ban ATTP. Còn với TP Hà Nội quản lý theo sự phối hợp liên ngành....Điều đáng nói, ở cấp quận, huyện, phường, xã lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát ATTP còn thiếu và yếu: "Chúng ta thấy có sự bất cập tại các quận huyện, xã phường thị trấn đó là chưa đủ nguồn nhân lực để quản lý ATTP. Hiện nguồn nhân lực còn quá hạn chế và chưa có sự quản lý chặt chẽ.”
Đơn cử như TP.HCM, mặc dù là địa phương duy nhất thành lập Sở ATTP tuy nhiên nguồn lực làm công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra về ATTP mới chỉ đáp ứng phần nào thực tế. Cụ thể, trong tháng cao điểm vì ATTP vừa qua, TP.HCM đã tiến hành kiểm tra tại tất cả 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức với khoảng 2.366 cơ sở kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, chỉ tính riêng các điểm bán thức ăn đường phố trên địa bàn TP đã lên đến 15.400 cơ sở. Như vậy, còn một khoảng trống rất lớn trong công tác quản lý ATTP tại những nơi dễ gây ngộ độc thực phẩm này.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM cho biết, TP đã có kế hoạch kiểm tra thường xuyên và đột xuất các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt các bếp ăn tập thể, căng-tin trong trường học được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, đối với các quán hàng rong việc quản lý cũng như thanh tra, kiểm tra còn nhiều khó khăn.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý ATTP
Với hơn 100 triệu dân, để quản lý hiệu quả công tác ATTP, bên cạnh việc kiểm tra đột xuất, thường xuyên liên tục và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Ví dụ tại Singapore nếu quán ăn có một con gián, cơ sở kinh doanh cũng bị đình chỉ hoạt động nhiều ngày, thậm chí bị đóng cửa vĩnh viễn nếu tái phạm. Muốn làm tốt việc này, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, cần ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý ATTP. Đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn đại biểu TP. Hà Nội nêu ý kiến: “Tôi cho rằng mô hình quản lý ATTP cũng cần phải được coi trọng như mô hình quản lý sức khỏe người dân ngay tại cộng đồng. Chúng ta cần ứng dụng công nghệ thông tin để mỗi người dân có thể kịp thời thông báo nguy cơ mất ATTP tới cơ quan quản lý qua một app...và từ đó quản lý chặt chẽ hơn các cơ sở kinh doanh...”
Bên cạnh đó việc ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc sẽ giúp người dân có thêm công cụ để lựa chọn thực phẩm an toàn cho gia đình. Hiện mô hình này đã được triển khai thí điểm tại TP HCM với các mặt hàng thịt lợn, thịt gia cầm và trứng.
Tuy nhiên cần có sự thống nhất đồng bộ về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý ATTP từ Trung ương đến địa phương và tới từng người dân, tránh tình trạng mỗi địa phương lại áp dùng một phần mềm quản lý, gây chồng chéo và không hiệu quả.