Tính trung bình mỗi ngày cả nước có gần 400 ca nhiễm, riêng 3 ngày gần đây mỗi ngày lên đến hơn 1000 ca Covid-19, trong khi, nhiều tuần trước đó, mỗi ngày chỉ có vài ca. Số bệnh nhân Covid-19 nặng phải thở oxy cũng tăng, đa số là người cao tuổi, người có bệnh nền. Sau một thời gian dài tạm lãng quên Covid-19, thì những số liệu này đang dấy lên lo ngại lớn. Phóng viên VOV2 đã có cuộc trao đổi với chuyên gia truyền nhiễm - bác sỹ Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga (Bộ Quốc phòng), để nhận định tình hình và khuyến cáo các giải pháp ngăn chặn dịch lây lan.

Phóng viên: Thưa chuyên gia, với số ca nhiễm Covid-19 mới tăng cao và phân tích về tình trạng bệnh nhân, ông có những đánh giá như thế nào? Có đặc điểm dịch tễ nào mới và đáng lưu tâm?

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng: Theo tôi thì đợt này cũng không có một cái gì quá là thay đổi, quá bất thường. Vì Covid-19 vẫn còn những đợt sóng lên xuống và đợt này thì nó lại đúng vào thời điểm thời tiết nồm ẩm cho nên các bệnh lây truyền qua đường hô hấp gia tăng. Qua một thời gian kháng thể của mọi người cũng đã giảm bớt, cùng với đó la là sự chủ quan của người dân không đeo khẩu trang, không khử khuẩn. Sự biến chuyển của các dòng phụ Omicron cũng khiến hệ số lây nhiễm cao hơn một chút nhưng độc lực thì không tăng.

Quan sát các bệnh nhân nặng chúng tôi thấy, tỷ lệ bệnh nhân nặng thực ra không tăng. Hà Nội tỷ lệ bệnh nhân nặng là 4-5% nhưng thực tế đánh giá trên cả nước thì trước đây loanh quanh khoảng 1,3 - 1,4% nhưng hôm qua thì giáo sư Phan Trọng Lân trong buổi giao ban Bộ Y tế nói số lượng bệnh nhân nặng chỉ còn khoảng 1,1%. Có nghĩa là độc lực của virus không tăng và các triệu chứng về cơ bản không thay đổi.

Nhưng trên mạng rất nhiều thông tin vô căn cứ, nào là động lực thay đổi rồi nó chuyển nặng rất nhanh khiến tử vong. Thực ra chưa ai tử vong cả. Đấy là những thông tin vô căn cứ và chúng ta nên bình tĩnh.

Phóng viên: Theo ông, hiện nay từ phía các cơ sở y tế cần phải làm gì để chủ động ngăn chặn làn sóng Covid-19 mới này?

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng: Thứ nhất là tránh quá tải hệ thống y tế. Mình phải tập trung quan tâm đến những đối tượng có nguy cơ cao như phụ nữ có thai. Vì phụ nữ có thai nhiễm Covid-19 rất dễ chuyển nặng. Đồng thời nguy cơ lây từ phụ nữ sang thai nhi và gây ra những dị tật bẩm sinh rất cao. Nhóm đối tượng thứ hai, những bệnh nhân cao tuổi có nhiều bệnh nền và chưa tiêm đủ vaccine.

Thứ hai, ngoài việc điều trị Covid-19 thì vẫn phải điều trị các bệnh khác. Hiện tại có nhiều bệnh lây truyền khác như là tay chân miệng, RSV, thủy đậu, cúm A, sốt. Nếu để vỡ trận thì có thể là cơ hội để những dịch bệnh khác trỗi dậy, bùng phát.

Về góc độ y tế cơ sở mình phải làm sao tăng cường truyền thông cho người dân để người ta hiểu được, có ý thức để tiêm vaccine và thực hiện 2K của Bộ Y tế là khử khuẩn và hạn chế đi ra nơi đông người.

Mọi việc đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên là mình vẫn phải có chiến lược và tôi biết rằng là các cơ quan quản lý y tế cũng đã chuẩn bị các cơ số để chuẩn bị cho việc điều trị bệnh nhân nặng bị Covid-19

Phóng viên: Sự ráo riết tiến hành đại trà trở lại việc tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 theo ông thời điểm này có là cần thiết? Và chiến lược tiêm chủng có nên thay đổi?

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng: Theo tôi là không nên thay đổi chiến lược tiêm chủng và trong những ngày này Viện vệ sinh dịch tễ trung ương cũng như các cơ quan chức năng của Bộ Y tế đang họp nhiều để có thể đưa ra những hướng dẫn về tiêm chủng, hướng dẫn về phòng bệnh, hướng dẫn điều trị. Hiện nay lượng vaccine của chúng ta không quá nhiều không nên tiêm chủng đại trà.

Cái thứ hai là chỉ tiêm đối với những người chưa đủ 2 mũi. Còn nếu những người khỏe mạnh đã đủ 2 mũi rồi thì thực ra cũng không nhất thiết phải tiêm thêm vì cái lợi ích thì nó chưa thực sự lớn và lượng vaccine của chúng ta cũng không đủ, chúng ta vẫn nên ưu tiên cho những đối tượng nguy cơ cao như phụ nữ có thai, những người trên 60 tuổi, những người có bệnh nền, những người bị suy giảm miễn dịch.

Những người này chưa đủ thì chắc chắn sẽ tiêm 2 mũi rồi còn kể cả đã tiêm 2 mũi thì nếu thời gian tiêm cách đây lâu rồi ví dụ 6 tháng hoặc bị Covid-19 cách đây 6 tháng rồi mình nên chủ động tiêm nhắc. Điều này sẽ hạn chế việc chuyển nặng của các nhóm bệnh nhân và cũng đỡ gia tăng áp lực đối với hệ thống y tế.

Phóng viên: Để đối phó với dịch Covid-19, các trường học đã đẩy mạnh hoạt động giám sát các trường hợp học sinh ốm nghỉ và đẩy nhanh lịch thi cuối năm để cho học sinh nghỉ hè sớm. Ông nhận định như thế nào về cách ứng phó của các nhà trường hiện nay?

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng: Theo tôi, cách ứng phó của nhà trường hiện nay khá là hợp lý. Chúng ta không thể vì một vài học sinh bị Covid-19 mà cho một lớp nghỉ học. Mà không chỉ việc học tập, hiện tại các hoạt động dân sinh như đi lại mua bán rồi giao thương vẫn đang rất bình thường. Cho nên mình phải thích ứng với tình hình mới. Bởi các em học sinh đã tiêm vaccine khá đủ rồi. Vấn đề bây giờ là phải cố gắng thuyết phục những học sinh chưa tiêm thì tiêm đủ 2 mũi, nâng cao việc vệ sinh, khử khuẩn, đeo khẩu trang, giảm bớt các hoạt động trong không gian kín.

Phóng viên: Có thể nói, hiện nay ngoại trừ khẩu trang là dấu ấn sót lại của giai đoạn Covid-19 bùng phát dữ dội nhất, còn mọi mặt của đời sống sinh hoạt đã được trả về như trước đây. Trước bối cảnh dịch có chiều hướng tăng như hiện nay, theo ông, chúng ta cần gia tăng biện pháp phòng bệnh như thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng: Theo tôi, thông điệp 2K của Bộ Y tế vẫn cần nghiêm túc thực hiện, nó sẽ bảo vệ cho cộng động tránh các các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác. Đợt này Covid-19 lây lan nhanh là do chúng ta chủ quan trong việc đeo khẩu trang khi đi ra chỗ đông người, đặc biệt là trong không gian kín. Chúng ta cũng không quên việc khử khuẩn. Không nên sử dụng những đồ vật chung như cốc uống nước. Có thể quay lại cái thói quen trước đây là đi đâu cũng mang theo một cái lọ cồn trong túi để sát khuẩn tay ngay lập tức.

Một điều nữa cần đặc biệt chú ý. Nhiều người hỏi tôi là bây giờ em có triệu chứng giống là cúm, giống như là cảm lạnh thì nên làm gì. Xin thưa là bây giờ không thể phân biệt được giữa cúm, cảm lạnh và Covid-19. Các triệu chứng nó không khác gì nhau, không thể phân biệt, vẫn là đau họng, ho khan, là ngạt mũi, là chảy nước mũi và các dấu hiệu của toàn thân như sốt rồi là đau cơ, đau đầu mệt mỏi. Nó giống y đúc nhau cho nên đừng đặt ra vấn đề là phân biệt giữa cái này cái kia mà khi mình có triệu chứng đấy ngay lập tức xét nghiệm Covid-19 bằng test nhanh.

Mục đích là xem mình có bị hay không để có cách xử lý hợp lý, làm sao tránh lây nhiễm cho người khác hoặc có tiếp xúc rồi thì cũng phải kiểm tra cho họ. Vì có thể sức đề kháng tốt không sao nhưng mà bố mẹ mình hoặc ông bà mình là những người có bệnh nền hoặc là người quen mình lại là phụ nữ mang thai thì những đối tượng đấy mà bị lây từ mình mới là nguy hiểm.

Phóng viên: Dịp 30-4, 1-5 năm ngoái là một dấu mốc đặc biệt, bởi sau kỳ nghỉ lễ này là sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam, gây ra một cơn khủng khoảng kéo dài nhiều tháng liền. Sắp tới đây, cũng lại là kỳ nghĩ lễ tới 5 ngày, nhiều người không khỏi lo lắng, liệu lịch sử có lặp lại, thưa ông?

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng: Các ngành kinh tế khác rất phát triển thì là mình không thể cấm chuyện người dân đi du lịch được. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch là có nhưng không cao như trước vì chúng ta đã có miễn dịch cộng đồng rồi. Câu chuyện ở đây vẫn là làm sao mình có trách nhiệm với bản thân và với người khác, nghĩa là khi đi du lịch chúng ta phải nâng cao ý thức phòng dịch và nên mang theo cái máy đo SP02 và một số thuốc có thể tự điều trị.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hà Nội lấy 10 mẫu bệnh phẩm Covid-19 gửi Bệnh viện Bạch Mai giải trình tự gene virus tìm biến chủng mới, trong bối cảnh tăng ca nhiễm. Kết quả phát hiện có 2 mẫu thuộc chủng XBB.1.9.1, với đặc điểm lan truyền nhanh, nhưng diễn biến lâm sàng nhẹ. Trong khi đó, ngày 14/4 TP HCM công bố xuất hiện biến chủng mới của Omicron là XBB.1.5. Các chuyên gia nhận định, đây là biến chủng có đặc tính lây lan nhanh, nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng về tăng ca nặng.

Bộ Y tế đã có văn bản tăng cường công tác thu dung, điều trị ca bệnh COVID-19 gửi đến tất cả các tirnht hành trong cả nước. Trong đó có phân công số giường bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19 cụ thể tới từng đơn vị; bố trí nhân lực để theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 khi có chỉ định nhập viện; dự trù thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế khi dịch bệnh có thể xẩy ra diễn biến phức tạp…

Hiện nay, việc tiêm vaccine đang được thực hiện theo các điểm tập trung như tại TP. HCM hiện có 104 điểm tiêm, Hà Nội có 10 điểm tiêm đều là tại các bệnh viện, trạm y tế, trung tâm y tế. Và theo khẳng định của cơ quan chức năng, số lượng vaccine phòng Covid-19 vẫn đủ để phục vụ nhu cầu của người dân.