Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quý Dương – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong cuộc trao đổi với Phóng viên của VOV2. Theo ông Nguyễn Quý Dương, từ năm 2020, Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra 168 mẫu nho thì chỉ có 1 mẫu duy nhất năm 2023 vượt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (mức vượt thấp chỉ chiếm 0,5%). Ngoài nho còn có táo, lê cam, quýt xuất xứ từ Trung Quốc luôn là mặt hàng được Cục Bảo vệ thực vật ưu tiên giám sát hằng năm.
“Thực ra, trước đây, Trung Quốc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều nhưng từ khi luật an toàn thực phẩm của họ sửa đổi thì Chính phủ Trung Quốc tăng cường kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất mạnh, kể cả đối với những mặt hàng bán ở thị trường nội địa. Trong 5 năm trở lại đây, chúng tôi giám sát bên Trung Quốc từ nho, táo, lê cam quýt gần đây là dâu tây thì những mặt hàng chúng tôi kiểm tra đều đảm bảm mức an toàn thực phẩm tốt. Như quả nho sữa mà Hiệp hội tiêu dùng Thái Lan công bố 26/27 mẫu, trong đó Trung Quốc có 9 mẫu. Tuy nhiên, sau đấy, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Thái Lan đã lên tiếng đảm bảo rằng lô hàng này đủ an toàn để tiêu thụ sau khi kiểm tra dư lượng hóa chất nguy hiểm trên quả” – Ông Nguyễn Quý Dương cho biết.
Về nguyên nhân vì sao giá thành của nhiều loại quả Trung Quốc rẻ, thậm chí còn rẻ hơn cả trái cây trong nước như loại quýt, lựu, táo, nho có giá dao động từ 10.000đ – 25.000 đồng/kg, nhất là nhiều loại nho, lê mẫu mã không khác gì so với hàng xuất xứ từ Nhật, Hàn, Mỹ nhưng giá rẻ chỉ bằng 10-20% tùy loại, ông Nguyễn Quý Dương cho rằng, một trong những nguyên nhân là do lượng trái cây Trung Quốc nhập khẩu vào nước ta tăng thời gian gần đây.
“Trái cây Trung Quốc bán ở nhiều nước trên thế giới. Chính sách của Trung Quốc là phát triển vùng trồng rất rộng để có sản lượng xuất đi bán được ở nhiều nước. Với canh tác hiện nay, người nông dân Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có giảm thiểu việc sử dụng thuốc, vì vậy không có chuyện giá rẻ thì chất lượng không tốt.
Theo số liệu chúng tôi từ 2020, lượng trái cây nhập khẩu vào Việt Nam là 1,3 triệu tấn, năm 2021 là 1,7 triệu tấn, năm 2022 giảm còn 1,3 triệu tấn (do diễn biến của dịch Covid-19). Năm 2023 tăng trở lại là 1,9 triệu tấn. 10 tháng đầu năm nay là 2,7 triệu tấn, dự kiến từ nay đến cuối năm, lượng trái cây nhập khẩu sẽ tăng lên hơn 3 triệu tấn, như vậy lượng trái cây nhập khẩu đã tăng 2,5 lần trong 5 năm qua. Riêng trái cây Trung Quốc từ 2020 đến giờ tăng hơn 4 lần. Năm 2020, trái cây Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam là 200.000 tấn, đến năm 2023 đã là 800.000 tấn. Lượng hàng nhập khẩu nhiều hơn, điều đó cũng giải thích vì sao giá bán trái cây Trung Quốc rẻ hơn so với giá bán của các loại trái cây của các nước khác nhập về” – ông Nguyễn Quý Dương khẳng định.
Quy trình kiểm tra chất lượng ATTP đối với trái cây nhập khẩu hiện nay liệu có bỏ lọt mặt hàng có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép?
Theo ông Nguyễn Quý Dương, đối với việc kiểm tra, kiểm soát trái cây nhập khẩu, hiện nay có 2 văn bản quan trọng: Luật ATTP ban hành năm 2010 và Nghị định 15 hướng dẫn Luật ATTP vào năm 2018.
Trong quy định của Nghị định 15 hướng dẫn, có 2 hình thức kiểm tra đối với trái cây nhập khẩu vào Việt Nam có 2 hình thức: Thứ nhất là kiểm tra ngay tại cửa khẩu, thứ hai là hậu kiểm.
Đối với kiểm tra tại cửa khẩu có 3 hình thức:
- Một là kiểm tra giảm, nghĩa là chỉ kiểm tra 5% hồ sơ trong tổng số trái cây nhập khẩu. Số hồ sơ này được hải quan chọn.
- Hai là kiểm tra thông thường. Với hình thức này, tất cả các lô hàng đều được kiểm tra nhưng chỉ kiểm tra hồ sơ.
- Ba là kiểm tra chặt. Khi đó, cán bộ bảo vệ thực vật mới lấy mẫu hàng để kiểm tra.
Những mặt hàng sẽ bị lấy mẫu kiểm tra kiểm tra chặt gồm: Có thông tin từ nước ngoài hoặc trong nước về mặt hàng đó có vấn đề, hằng năm có chương trình giám sát lấy mấu ngẫu nhiên để kiểm tra. Nếu phát hiện mặt hàng nào đó vượt ngưỡng cho phép dư lượng thuốc bảo vật thì sẽ được cơ quan có chức năng thông báo cho doanh nghiệp, tất cả các cửa khẩu nắm thông tin.
Đối với hình thức hậu kiểm: Tùy theo mức độ vi phạm, cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu kiểm tra. Nếu phát hiện ra lô hàng có vấn đề sẽ thông báo cho nước xuất khẩu. Sau đó, Cục Bảo vệ thực vật sẽ kiểm tra 3 lô hàng liên tiếp, nếu không vi phạm nữa thì mới được quay trở lại hình thức kiểm tra thông thường.
“Để giảm áp lực kiểm tra tại cửa khẩu, kiểm tra hậu kiểm là hình thức mà hiện nay các nước trên thế giới đều đang làm. Nếu ở thị trường trong nước mà có thông tin về sản phẩm có nguy cơ từ nước xuất khẩu thì mình sẽ dồn lực kiểm tra mặt hàng đó. Ví dụ như hiện nay mặt hàng lạc nhập khẩu về có nguy cơ nhiễm aflatoxin (một loại độc tố từ vi khuẩn nấm tự nhiên) thì năm nào chúng tôi cũng kiểm tra chặt luôn. Đối với mặt hàng khác cũng vậy, nếu chúng tôi có thông tin, kể cả từ địa phương lẫn thông tin từ nước ngoài công bố mặt hàng đó đang vi phạm, giống như nho vừa rồi, có thông tin từ bên Thái Lan thì chúng tôi sẽ đưa mặt hàng đó vào chương trình giám sát để kiểm tra” – ông Nguyễn Quý Dương cho biết.
Nghe bài viết tại đây: