Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương và của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh Whitmore (tên gọi khác là bệnh Melioidosis) do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra, trong đó có 2 trường hợp là trẻ em tại thị xã Nghi Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa và 1 trường hợp là người lớn tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

Trường hợp thứ nhất là bé T. M. N. (SN 2007), ở xã Mai Lâm, thị xã Nghi Sơn, được gia đình đưa đến vào ngày thứ 12 sau khi khởi phát trong tình trạng nặng. Mẫu cấy máu ngay từ khi vào viện đã phát hiện ra trực khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị shock nhiễm khuẩn/suy đa tạng/Whitmore.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân L. N. Q. (SN 2012), tại xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống. Khởi đầu với biểu hiện sốt, sưng đỏ vùng mang tai 5 ngày. Bệnh viện tuyến dưới chẩn đoán bé viêm tuyến nước bọt mang tai phải, điều trị 20 ngày không khỏi. Bé được chuyển đến bệnh viện tỉnh điều trị thêm gần 30 ngày nữa, vùng má phải bị tổn thương, viêm và rỉ dịch mủ, xuất hiện thêm cục to đau ở sau tai. Đầu tháng 11, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ chích rạch khối áp xe, kết quả cấy dịch mủ phát hiện bé nhiễm vi khuẩn Whitmore.

Trường hợp thứ 3 là phụ nữ, 40 tuổi ở huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk. Bệnh nhân bị đau bụng từ hồi giữa tháng 10, phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị áp xe lá lách. Nửa tháng sau, chị vẫn tái phát đau bụng và trở lại bệnh viện. Bác sĩ chẩn đoán chị mắc bệnh Whitmore trên nền đái tháo đường type 2.

Ngay sau khi có các ca bệnh trên, ngày 10/11, Cục Y tế dự phòng ban hành công văn khẩn gửi Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa và Đắk Lắk đề nghị chủ động phòng chống hiệu quả đối với bệnh Whitmore trên địa bàn.

Bộ Y tế dự báo tới đây tiếp tục ghi nhận thêm trường hợp mắc Whitmore, nhất là tại các khu vực có điều kiện vệ sinh môi trường bị ô nhiễm thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển.

Whitmore là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia Pseudomalle gây ra. Vi khuẩn này sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bị nhiễm khuẩn B. pseudomallei. Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền vi khuẩn từ người sang người hoặc từ động vật sang người.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh; không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm; làm sạch hoàn toàn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín, uống sôi…