Khi chị em chấp nhận "cực hình" để... đẹp

“Sở hữu vòng eo con kiến không cần tập thể dục”, “nịt bụng để siết eo đồng hồ cát”… đây đều là những lời hứa có cánh, cùng với đó là những cam kết chắc như đinh đóng cột như là “5 ngày giảm được 3cm vòng eo”.

Nhiều chị em đã bị thuyết phục bởi những phát ngôn, quảng cáo này đều từ những người nổi tiếng và từ những trải nghiệm được cho là có thật. Chị Lưu Liên ở Đống Đa, Hà Nội sử dụng đai nịt bụng suốt 3 năm nay kể từ sau khi sinh con chia sẻ: sau khi sinh bé thứ hai, do sinh mổ nên bụng dưới rất to, cảm giác tử cung không co lại. Vì thế chị đã sử dụng đai siết eo.

“Khi đeo đai mình phải ngồi thẳng lưng lên, rồi phải hóp bụng vào trong một thời gian dài liên tục nên vòng bụng sẽ giảm”, chị Liên tin tưởng.

Phải đeo liên tục một chiếc đai cứng siết chặt vùng eo là một cảm giác “cực hình”.“Vì gen từ sát chân ngực xuống dưới bụng dưới. Nó ôm sát cơ thể nên rất là nóng, nhất là mùa hè”, chị Liên nói.

Chị Thanh Hà, ở Long Biên, Hà Nội, cho biết sau 3 tháng sử dụng đai siết eo thấy hiệu quả rõ rệt. Chị nói là vòng eo đã giảm được 8-9 cm nhưng lưng lại bị đau. Tuy nhiên, chị Hà vẫn quyết tâm “vì mình thích eo nhỏ nên cũng không để ý quá nhiều”.

Những tác hại của việc sử dụng đai nịt bụng không phải là các chị em không biết nhưng nhiều người vẫn tin rằng nó sẽ rơi vào ai chứ không vào mình. Vì thế, mặc cho những chiếc đai nịt bụng đang “tra tấn” cơ thể, nhiều chị em vẫn chịu đựng để mong một ngày sở hữu chiếc eo thon.

Đeo đai có thực sự giảm được vòng eo?

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Phẫu thuật Tiêu hóa - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng khẳng định: không có đai nịt bụng nào có thể giảm mỡ, tiêu mỡ.

“Nó chỉ tạo ra áp lực nén tạm thời làm cho các tổ chức mỡ ép lại với nhau. Nhưng đó chỉ là tác dụng trong lúc sử dụng đai thôi, còn khi bỏ đai ra thì thành bụng trở lại như cũ”, bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn giải thích vì sao một số phụ nữ vẫn cho là sử dụng đai có tác dụng giảm mỡ bụng.

Ngoài ra Phó giáo sư Nguyễn Anh Tuấn còn cảnh báo nhiều tác động khôn lường khác khi sử dụng đai quấn bụng không đúng cách. Đó là tạo ra sự chèn ép trong ổ bụng và cơ quan đầu tiên bị chèn ép là dạ dày. Nó làm cho dạ dày tăng áp lực, đẩy dịch dạ dày lên và gây ra hiện tượng trào ngược dạ dày.

“Tác hại thứ hai là hạn chế dung tích thở do sự hạn chế vận động của cơ hoành và các cơ hô hấp khác, làm cho thành bụng không thể phình lên được khi chúng hít vào, dẫn đến tình trạng thở nông, không đủ dung tích thở, hạn chế hô hấp. Với người bình thường thì không tác động nhiều lắm nhưng đối với người có bệnh lý phổi mãn tính thì nó làm tăng trình trạng này”, bác sỹ Tuấn nhấn mạnh.

Trong lịch sử y khoa, đai nịt bụng được đưa vào sử dụng từ thế kỷ 19 để làm tăng thành bụng của người phụ nữ sau khi sinh con, hoặc người bị bệnh cột sống, những người đứng nhiều, ngồi nhiều đề tăng cường sự vững chãi của cột sống. Nhưng sử dụng để giảm mỡ bụng, tiêu mỡ bụng thì chưa từng được khẳng định.

Vì thế, bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn khuyến cáo: đai nịt bụng vẫn có thể giúp chị em tạo dáng vẻ thon gọn nhưng cần sử dụng ở mức độ siết eo vừa phải và chỉ trong thời gian ngắn.

Mời nghe chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn tại đây:

Một phụ nữ ở Bến Tre đã bị vỡ gan, xuất huyết ổ bụng vì sử dụng đai nịt bụng để giảm eo (hay còn gọi là latex)… Chị chia sẻ là do xem trên mạng quảng cáo là dùng đai này sẽ giảm vòng eo nhưng không ngờ lại gây ra hậu quả nghiêm trọng như vậy.

Bác sỹ Thạch Diễn – Khoa Chẩn đoán hình ảnh – BV Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạch Liêu – người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân này cho biết: trường hợp này vỡ gan là do bệnh nhân sử dụng đai xiết chặt trong thời gian dài, 3 năm. Chị vào viện trong tình trạng mệt, nôn nhiều. Và bác sỹ cũng cảnh báo, sử dụng không đúng cách đai siết eo cũng sẽ tác động đến các cơ quan nội tạng, khiến đau tức bụng, ảnh hưởng đến cấu trúc xương sườn, tác động vào phổi, gan và ảnh hưởng đến tính mạng.