Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vừa ký ban hành công văn số 5259/BYT-K2ĐT về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai đề án 06 tại các cơ quan, đơn vị trong ngành Y tế gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; y tế các bộ, ngành; các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị toàn ngành đẩy mạnh thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt để người dân dễ dàng và thuận lợi thanh toán chi phí dịch vụ y tế.

Ngoài ra, theo chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị trong ngành y ưu tiên kinh phí cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; dành tối thiểu 1% các nguồn kinh phí của cơ quan, đơn vị để chi cho ứng dụng công nghệ thông tin.

Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; không sử dụng bệnh án giấy theo quy định tại Thông tư số 46 năm 2018 của Bộ Y tế; triển khai y tế từ xa theo quy định tại Thông tư số 49 năm 2017; triển khai đơn thuốc điện tử theo các hướng dẫn đã ban hành.

Về bệnh án điện tử, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện hạng I trở lên triển khai bệnh án điện tử vào đầu năm tới. Từ năm 2024-2028, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện triển khai đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến; chú trọng các giải pháp hỗ trợ người dân, người bệnh, sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip, nhận dạng sinh trắc học khi đăng ký và trong quá trình khám, chữa bệnh.

Việt Nam có khoảng 1.300 cơ sở khám, chữa bệnh (gồm các bệnh viện, trung tâm y tế đa chức năng), trong đó có khoảng 135 bệnh viện hạng I trở lên. Theo dữ liệu cải cách hành chính từ website Bộ Y tế, đến giữa tháng 8, cả nước mới có khoảng 50 cơ sở y tế (gồm cả công lập và tư nhân) chính thức công bố chuyển từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử.