Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn mạn tính. Các biểu hiện viêm và đau có thể xuất hiện ở bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể. Tuy nhiên hay gặp nhất là ở da hoặc khớp và các cơ quan nội tạng như thận hoặc phổi. Bệnh nhân mắc lupus sẽ phải điều trị suốt đời bằng các thuốc chống viêm giảm đau chứa corticoid – các thuốc này cũng gây ra khá nhiều tác dụng phụ và biến chứng cho người bệnh.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Lương - Phòng khám chuyên bệnh tự miễn, Bệnh viện Da liễu Trung ương, các biến chứng đến có thể gặp ở các cơ quan khác nhau, từ nhẹ đến nặng như tổn thương sẹo xơ hóa, rụng tóc không thể hồi phục, nặng hơn là đau sưng các khớp dẫn đến biến dạng khớp và tổn thương các cơ quan nội tạng khác. Nhiều trường hợp tổn thương thận dẫn đến suy thận, phải chạy thận nhân tạo hoặc một số tổn thương về tim phổi, tổn thương về thần kinh. Các biến chứng này cần phải được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để tránh rơi vào trường hợp nguy kịch có thể dẫn tới tử vong.

Đặc biệt, thạc sĩ, BS Đặng Thị Lương nhấn mạnh, biến chứng có thể đến từ thói quen điều trị tùy tiện của người bệnh. “Có những bệnh nhân bỏ điều trị hoặc sử dụng liều lượng tăng giảm không theo hướng dẫn của bác sĩ khiến bệnh tiến triển nặng lên, phải dùng thuốc giảm viêm trong một thời gian dài dẫn đến xuất hiện biến chứng. Do đó, nếu cảm thấy lo lắng về các tác dụng phụ của thuốc, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ. Nếu bệnh nhân mà tuân thủ điều trị hoặc là kiểm soát tốt bệnh thì hoàn toàn có thể ngăn ngừa được các tác dụng phụ”– BS Lương khuyến cáo.

Hiện nay một số bệnh nhân thường truyền nhau thông tin đã có thuốc điều trị khỏi hẳn bệnh lupus, tuy nhiên BS Lương nhấn mạnh, người bệnh cần thận trọng với những quảng cáo đó, bởi cho đến nay chưa có một loại thuốc nào có thể điều trị khỏi bệnh lupus. Các thuốc không rõ nguồn gốc có nguy cơ gây dị ứng hoặc là người ta sẽ trộn những thành phần có độc tính cho cơ thể.

Đã có bệnh nhân dùng các thuốc không rõ nguồn gốc và dẫn đến suy thận, mặc dù bệnh lúc đó mới ở giai đoạn nhẹ, chỉ cần điều trị theo đơn của bác sĩ đã có thể kiểm soát được bệnh, nhưng rất tiếc cho bệnh nhân” – bác sĩ Lương chia sẻ.

Để kiểm soát cái tác dụng của thuốc, theo bác sĩ Lương, bệnh nhân nên ăn giảm muối để làm giảm lượng natri trong cơ thể, từ đó làm giảm tích nước ở vùng má hay bụng. Ngoài ra, bệnh nhân nên bổ sung thêm canxi, thuốc chống viêm dạ dày theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Khi thấy những dấu hiệu như nặng mí mắt, phù chân, cứng khớp vào buổi sáng hay cảm giác khó thở - đặc biệt khi gắng sức bệnh nhân cần đi khám để kiểm soát các biến chứng như suy thận, biến dạng khớp và tổn thương thần kinh…

Thạc sĩ, BS Đặng Thị Lương cũng thông tin, có khá nhiều bệnh nhân vì tuân thủ điều trị tốt đã được ngừng dùng thuốc và chỉ tái khám mỗi 3 đến 6 tháng/lần. Tuy nhiên việc này cần phải do bác sĩ quyết định, dựa trên các chỉ số xét nghiệm lâm sàng.

Hiện nay, để điều trị bệnh lupus, y học đã phát minh ra một số loại thuốc mới, phương pháp điều trị mới. Một trong số đó là phương pháp điều trị lupus bằng tế bào gốc. Tuy nhiên thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Lương thông tin, tại Mỹ quá trình thử nghiệm phương pháp điều trị này mới diễn ra ở giai đoạn 2 – tức là vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và chưa được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên ở giai đoạn 2 này, phương pháp tế bào gốc cũng đã mang lại những hiệu quả nhất định. Do đó bệnh nhân có thể hy vọng được điều trị bằng phương pháp này trong một tương lai không xa.