Theo Sở Y tế TP.HCM, tính đến giữa tháng 8, trên địa bàn thành phố có 346 ca dương tính với bệnh sởi, trong đó có 3 trường hợp tử vong tại các bệnh viện. Qua thống kê, có hơn 78% ca mắc bệnh sởi trẻ dưới 5 tuổi, 66% trẻ chưa tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine phòng bệnh sởi và 30% trẻ không rõ tiền sử tiêm chủng.

Theo BS Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM, chính "lỗ hổng" trong tiêm chủng vaccine phòng sởi là nguyên nhân khiến TP. Hồ Chí Minh chưa tạo được miễn dịch cộng đồng và nguy cơ dịch bùng phát có thể xảy ra bất cứ khi nào.

"Với bệnh sởi, độ bao phủ vaccine phải đạt từ 95-98% mới tạo được miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên còn một số nhóm đối tượng chưa đưa trẻ đi tiêm phòng tập trung, chủ yếu ở các khu nhà trọ, dân di biến động và nhóm anti vaccine. Điều này rất nguy hiểm...", BS Trương Hữu Khanh cho biết.

Bên cạnh đó, BS Khanh khuyến cáo một số trẻ có các bệnh nền như tim mạch, tiểu đường... không nên trì hoãn tiêm phòng mà cần được tiêm đầy đủ để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Hiện nay, bệnh sởi ở trẻ em vẫn chưa có thuốc đặc trị. Phương pháp điều trị cơ bản là khắc phục triệu chứng bệnh, kết hợp với cải thiện chế độ dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Khi mắc bệnh, virus sởi xâm nhập vào cơ thể khiến trẻ sốt cao liên tục trong khoảng thời gian dài, lúc này khả năng miễn dịch của cơ thể đã bị giảm sút, vì vậy, nếu không chữa trị kịp thời bệnh sởi ở trẻ em có thể để lại những biến chứng nguy hiểm như viêm loét giác mạc, não cấp tính, viêm phổi, tiêu chảy, thậm chí là tử vong...Chính vì vậy, tiêm vaccine phòng sởi là biện pháp bảo vệ hữu hiệu nhất hiện nay.

"Với những người làm nghề như chúng tôi thì thời điểm trước khi có vaccine tỷ lệ tử vong do sởi rất nhiều, biến chứng nhiều và cả một thế hệ sau đó còi cọc, suy dinh dưỡng...Cho nên không cần phải bàn cãi gì về hiệu quả của vaccine sởi. Và cha mẹ lưu ý là việc tiêm vaccine không chỉ phòng bệnh cho bản thân mà còn giúp tạo miễn dịch cộng đồng, bảo vệ những đứa trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng...", BS Trương Hữu Khanh khuyến cáo.

Trong bối cảnh dịch sởi đang gia tăng ở TP.HCM hiện nay, để bảo vệ trẻ, đặc biệt trẻ dưới 9 tháng tuổi không bị sởi, cha mẹ có thể làm theo những hướng dẫn của BS Trương Hữu Khanh:

- Cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng bệnh. Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế tại các cơ sở tiêm chủng, đặc biệt là đối với trẻ dưới 5 tuổi.

- Áp dụng các biện pháp dự phòng chung như đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người hoặc bệnh viện.

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhất là khi chăm sóc trẻ.

- Giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ.

- Uống đầy đủ nước mỗi ngày.

- Bổ sung các loại thực phẩm có nhiều vitamin A như cà rốt, các loại rau xanh thẫm và các loại quả có màu vàng, màu da cam.