Các chuyên gia về thú y và chăn nuôi cũng đã đề xuất tăng cường quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới để đảm bảo an toàn trong chăn nuôi, cũng như đảm bảo nguồn cung thịt lợn sạch và an toàn cho người dân.

PGS-TS Lê Văn Năm - chuyên gia về chăn nuôi, thú y, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng như "Bệnh lợn ở Việt Nam", "Bệnh gia cầm Việt Nam" đánh giá, diễn biến dịch tả lợn châu Phi năm nay không khác so với mọi năm. “Cả người dân và cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cũng đã đề phòng, nhưng dịch vẫn bùng phát tại hơn 40 tỉnh, thành phố. Các ổ dịch phát sinh chủ yếu tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy trình chăn nuôi không đảm bảo” – PGS Lê Văn Năm chia sẻ.

Đến nay hơn 20 nghìn con lợn đã bị tiêu hủy, tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn tỏ ra lo lắng về nguy cơ lợn bệnh có thể được tiêu thụ chui, gây mất an toàn thực phẩm.

“Hiện chúng ta vẫn chưa quản lý sát vấn đề này. Dân ta còn nghèo nên mỗi lần thấy lợn ốm, chưa biết ốm vì nguyên nhân gì đã vội vàng giết thịt hay vội bán nhằm tránh thiệt hại về kinh tế. Vì thế đôi khi dù biết hay không biết thì vẫn làm, đây là do ý thức của người dân còn chưa cao. Đáng lẽ lợn ốm không được bán, thậm chí, con lợn khỏe trong đàn có lợn ốm cũng tuyệt đối không nên bán bởi vì con lợn đó đã mang mầm bệnh tuy rằng thịt lợn chưa nhìn thấy các dấu hiệu bệnh”- PGS.TS Lê Văn Năm nhấn mạnh.

Nếu không khống chế hiệu quả, dịch bệnh bùng phát thì điều này chắc chắn ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn ra thị trường, nhất là vào dịp cuối năm, nhu cầu về thịt lợn tăng lên.

“Nếu chúng ta không có những biện pháp tích cực thì dịch bệnh trên lợn sẽ phát triển, lây lan nhanh. Điều này ảnh hưởng đến nguồn cung nhất là vào dịp Tết. Vì vậy giải pháp đầu tiên là những nơi có dịch phải tích cực ngăn chặn, tiêu diệt dịch bệnh. Những nơi chưa có dịch phải chủ động phòng dịch bằng vaccine. Bộ NN-PTNT ngày 24/7/2023 đã cho phép 2 loại vaccine do Việt Nam sản xuất được phép sử dụng. Cả 2 loại vaccine này đều lấy con giống vaccine của Mỹ, do vậy, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên sản xuất được vaccine phòng bệnh tả lợn châu Phi”- PGS Lê Văn Năm chia sẻ.

Đồng thời, PGS Lê Văn Năm cũng khuyến cáo người chăn nuôi không làm dịch bệnh lây lan bằng cách tổ chức chăn nuôi an toàn sinh học. “Mục tiêu của chăn nuôi an toàn sinh học chính là tạo ra sản phẩm an toàn, sạch cho người tiêu dùng. Sạch nghĩa là trong chế phẩm, trong thịt, trứng… không chứa kháng sinh, không chứa chất cấm, khi tiêu dùng, chúng ta được hưởng thụ thịt tươi, ngon như chúng ta mong muốn” .

Còn đối với người tiêu dùng, khi đi chợ nên lựa chọn thịt lợn sạch để đảm bảo mỗi bữa cơm gia đình được an toàn. “Người dân đi chợ cho dù thấy thịt ngon nhưng lớp mỡ dưới da chỉ dày 1cm thì chớ nên mua, vì chắc chắn người chăn nuôi đã sử dụng chất tạo nạc, chất này gây ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe người dân. Ngoài ra, nếu thấy lớp mỡ biến sắc (hơi vàng, hơi hồng) thì dứt khoát không nên mua vì đó là lợn ốm. Còn dĩ nhiên, thịt lợn chảy nước, nhớt dính, có mùi, hoặc thịt lợn có hạch bạch huyết, lỗ chân lông có màu đỏ thì cũng không nên tiêu thụ vì đây là thịt lợn không an toàn”- PGS Lê Văn Năm tư vấn.

Mời nghe tại đây: