Từ khi con điều trị bệnh ung thư máu, chị Liêu (ở huyện Lương Sơn, Hòa Bình) phải bỏ hẳn công việc làm thợ may. Chi phí chữa bệnh, sinh hoạt đều trông chờ vào 8 triệu đồng lương công nhân của chồng. Vì thế, nếu không có bảo hiểm y tế chi trả 80% chi phí điều trị bệnh thì gia đình chị không biết phải xoay xở thế nào.
“Bảo hiểm y tế rất có ích cho gia đình. Đợt đầu điều trị sau khi được bảo hiểm hỗ trợ, gia đình còn phải đóng 30 triệu, nếu mà không có bảo hiểm thì lên đến hàng trăm triệu, gia đình không biết phải lấy tiền đâu ra. Nhờ có bảo hiểm y tế mà giảm bao nhiêu chi phí cho người bệnh”, chị Liêu chia sẻ.
Có được điểm tựa là tấm thẻ BHYT, chị Liêu yên tâm hơn và dành toàn sức chăm con. Chị cho biết, lúc mới vào điều trị tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, sức khỏe của con yếu lắm, ngồi một lúc là kêu hoa mắt chóng mặt, bác sỹ phải cho truyền máu luôn.
“Sức khỏe con dần ổn lên nên bố mẹ rất mừng. Vì có nhiều bạn chưa điều trị xong đợt 2 bệnh đã tái phát rồi. Bệnh này rất nguy hiểm, gia đình nào có con mắc đều buồn lắm”, chị Liêu phấn khởi khi nói về sự tiến triển bệnh của con.
Sau hơn 1 năm điều trị, với 3 đợt truyền hóa chất, có những giai đoạn con phải nằm viện đến 2 tháng trời, đến giờ con đã có hy vọng. Các bác sỹ thông báo đợt điều trị lần thứ 2 này các chỉ số về máu của con đã ổn định.
Niềm vui của gia đình cũng là hạnh phúc của các y bác sỹ điều trị tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. BS Nguyễn Thị Mai, Trung tâm Hemophilia chia sẻ: ngoài ung thư còn rất nhiều bệnh về máu nguy hiểm mà trẻ em là đối tượng hay mắc phải. Chính vì thế, việc bảo hiểm y tế ngày càng chú trọng vào nhóm bệnh lý nặng này và bổ sung danh mục thuốc điều trị khiến quá trình điều trị hiện nay đạt hiệu quả và giảm gánh nặng tài chính cho người bệnh.
“Nếu không có bảo hiểm thì rất khó khăn cho gia đình bệnh nhân và bản thân các bác sỹ cũng phải cân nhắc rất nhiều về điều kiện kinh tế xem có thể dùng loại thuốc này hay không, hay phải dùng như thế nào để bệnh nhân còn chi trả được. Vì thế, bảo hiểm y tế rất có ý nghĩa với bệnh nhân”, TS.BS Nguyễn Thị Mai nhấn mạnh.
Ngoài danh mục thuốc đặc trị, bảo hiểm y tế hiện nay cũng đã chi trả một số nhóm thuốc bổ. Bởi một đặc điểm chung của bệnh nhân mắc bệnh máu đó là quá trình điều trị kéo dài, thậm chí là suốt đời và thường xảy ra biến chứng như suy gạn, suy thận…
Vì vậy các thuốc hỗ trợ là không thể thiếu. Bác sỹ Nguyễn Thị Mai Chi, Trung tâm Thalassemia (Viện Huyết học Truyền máu Trung ương) cho biết: trước khi đặt bút kê đơn, các bác sỹ thường cân nhắc rất kỹ lưỡng và luôn cố gắng tận dụng những loại thuốc được bảo hiểm y tế đồng chi trả. Bởi nếu không, chi phí điều trị sẽ rất lớn.
Chính từ điểm tự an sinh là tấm thẻ bảo hiểm y tế, rất nhiều gia đình có con mắc bệnh máu cảm thấy vững vàng hơn để bền bỉ vượt qua bạo bệnh.
Xin mời nghe bài viết: