Khi điều trị táo bón bằng sóng giao thoa, bốn điện cực sẽ được đặt vào thành bụng phía trước và phía sau của cơ thể để tạo ra hai dòng điện cường độ thấp, giao thoa với nhau ở khoảng giữa ổ bụng.

Sóng điện kết hợp sẽ tác động trực tiếp lên tủy sống, lên thần kinh vận động đại tràng và tác dụng trực tiếp lên lớp cơ ở thành ruột để làm tăng co bóp, giúp quá trình tống phân diễn ra nhanh và mạnh hơn. Ths.Bs Nguyễn Ngọc Đan, Trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội, Bệnh viện Xanh -Pôn cho biết: sóng điện sẽ được điều chỉnh phù hợp với từng bệnh nhân.

Đây là một phương pháp an toàn. Dòng điện được sử dụng có cường độ rất nhỏ. Trong quá trình chạy giao thoa, bệnh nhân vẫn có thể giao tiếp bình thường, thậm chí đọc sách, nghe nhạc.

Liệu pháp sử dụng sóng giao thoa đặc biệt hiệu quả trong trường hợp táo bón táo bón do giảm nhu động đại tràng. Thông thường 1 liệu trình sử dụng sóng giao thoa kéo dài trong 4 tuần, mỗi tuần thực hiện 3 lần.

Bên cạnh đó, liệu pháp sóng giao thoa còn rất hiệu quả trong việc điều trị hội chứng ruột kích thích. Trong hầu hết các trường hợp táo bón còn lại ở người bình thường khoẻ mạnh thì việc thay đổi chế độ ăn và chế độ sinh hoạt sẽ mang lại hiệu quả đáng kể, ít khi phải dùng thêm các can thiệp khác.

"Để điều trị được hiệu quả bệnh lý táo bón, cần phải chẩn đoán chính xác để tìm được nguyên nhân. Hiện có rất nhiều phương pháp mới trong chẩn đoán và điều trị táo bón, Trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội, Bệnh viện Xanh - Pôn có đầy đủ các phương pháp để chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân" - BS Đan cho biết.

Các dấu hiệu của táo bón:

Táo bón là tình trạng đi đại tiện khó khăn. Thông thường, người mắc bệnh táo bón nhiều ngày mới đi một lần, mỗi lần đại tiện phải rặn nhiều, phải vận dụng nhiều cơ thành bụng và cơ hoành để tống phân ra ngoài.

Phân rắn thành cục, mật độ cứng có thể dính theo máu tươi do cọ xát vào niêm mạc hậu môn, có khi dính theo những chất nhầy của đại tràng, trực tràng.

Ai cũng có nguy cơ mắc táo bón. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi.

Tuy nhiên, tỷ lệ mắc táo bón tăng theo tuổi với 30-40% của những người trên 65 tuổi.

Các trường hợp táo bón còn lại ở người bình thường, khỏe mạnh thì việc thay đổi chế độ ăn và chế độ sinh hoạt sẽ mang lại hiệu quả đáng kể, ít khi phải dùng thêm các can thiệp khác. Cần chú ý chế độ ăn nhiều chất xơ, hạn chế những loại thức ăn ít hoặc không có chất xơ như kem, phomat, các loại thịt, trứng, thực phẩm chế biến sẵn, các thức ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ. Nên uống nhiều nước, hạn chế uống trà đặc, cà phê, cocacola hay loại nước có gas. Phải tập thói quen đi đại tiện mỗi ngày, không nên nhịn lâu, tự tập thói quen đi vệ sinh đúng giờ, đều đặn.

Đối với những người do nghề nghiệp ngồi lâu cũng cần bố trí thời vận động phù hợp. Nên luyện tập tay chân như đi bộ, chạy, hít thở bằng bụng, chạy chậm giúp ăn uống ngon miệng, sảng khoái tinh thần, tăng nhu động ruột và tăng trương lực cơ làm cho cuộc sống bình ổn và tránh táo bón./.