Hành trình điều trị vô sinh khó khăn vì Covid-19

Lập gia đình đã 5 năm, từng đi khám và điều trị vô sinh hiếm muộn ở nhiều nơi nhưng hai vợ chồng chị Thùy Dương ở Hà Nội vẫn chưa được đón nhận niềm hạnh phúc làm cha mẹ. Một lần mang thai tự nhiên nhưng phôi thai yếu không giữ được, một lần làm thụ tinh trong ống nghiệm nhưng thất bại.

Sau hai năm nghỉ ngơi để lấy lại tinh thần và chuẩn bị kinh tế, đến đầu năm 2020, hai vợ chồng chị tiếp tục quá trình điều trị vô sinh thì dịch Covid-19 xảy ra. Chờ đợi cho dịch bệnh tạm lắng xuống nên tháng 9 năm ngoái, vợ chồng chị mới đến Bệnh viện Bưu điện để làm IVF. Trong suốt quá trình thăm khám và điều trị vô sinh, vợ chồng chị Dương được các y bác sĩ dặn dò phải chú ý phòng tránh Covid-19. Chị cũng đã tiêm đủ hai mũi vaccine phòng bệnh. Dù hết sức cẩn thận song đầu tháng 12 năm ngoái, khi đến ngày làm thủ thuật chọc hút kích trứng, chị Dương có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Lúc đó chị vô cùng lo lắng bởi nếu phải hủy bỏ thì sẽ phải làm lại từ đầu, không chỉ tốn kém về tiền bạc mà còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

Tuy nhiên, các bác sĩ của Trung tâm hỗ trợ sinh sản, BV Bưu điện vẫn quyết định tiến hành chọc hút trứng cho chị. Một xe cứu thương đưa đón chị tận nhà, một ekip bác sĩ riêng thực hiện thủ thuật tại phòng riêng biệt nhằm tránh lây nhiễm Covid-19.

Đầu năm vừa rồi, chị Dương dự kiến sức khỏe ổn định thì tiếp tục thực hiện việc chuyển phôi. Tuy nhiên, không may chị tái nhiễm Covid-19 và phải hoãn lại. Mặc dù gặp nhiều trắc trở do dịch bệnh gây ra, nhưng một lần nữa, với sự kiên trì của bản thân và sự động viên, hỗ trợ của các y bác sĩ Bệnh viện Bưu điện, chị Dương lại yên tâm dưỡng sức, mong đạt kết quả tốt nhất khi chuyển phôi trong thời gian tới.

Giống như chị Dương, Nguyễn Thu Hương kết hôn đã hơn 1 năm nhưng chưa có con. Năm ngoái, Thu Hương thực hiện IUI (phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung) nhưng không thành công nên hai vợ chồng đã quyết định chuyển sang làm kỹ thuật IVF (thụ tinh trong ống nghiệm). Thật không may đến ngày cần phải chọc hút trứng để trữ phôi thì Hương lại nhiễm Covid-19. Vợ chồng Hương đã vô cùng lo lắng bởi nếu không làm ngay thì cả hai sẽ phải chờ thời gian khá lâu nữa mới có thể thực hiện được. Quá trình điều trị tưởng chừng bị gián đoạn nhưng may mắn là Thu Hương được các bác sĩ hỗ trợ đưa vào khu cách ly riêng để thực hiện thủ thuật chọc hút trứng. Kết quả, Hương có 8 phôi để trữ, tất cả đều đạt chất lượng và điều này đã nhen nhóm hy vọng cho đôi vợ chồng trẻ.

Có nên đợi hết dịch Covid-19 mới khởi động điều trị vô sinh, hiếm muộn?

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Nhã – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BV Bưu điện, thời gian qua, với quyết sách đúng đắn của Đảng, Chính phủ và Bộ Y tế, nước ta đã tiêm phủ 3 mũi vaccine cho khoảng 90% người từ 18 tuổi trở lên. Vì vậy, đa số người mắc Covid-19 đều có biểu hiện nhẹ. Tuy nhiên, dịch bệnh có thể còn kéo dài, nếu đợi hết dịch thì các cặp vợ chồng sẽ bỏ lỡ cơ hội tốt nhất để sinh con, nhất là với những trường hợp đã lớn tuổi.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã tư vấn, trong giai đoạn hiện nay, các cặp đôi bị vô sinh hiếm muộn vẫn có thể đi khám để tìm nguyên nhân hiếm muộn bình thường. Tuy nhiên, trước khi thăm khám nên tiêm phòng vaccine phòng Covid-19 và chú ý tuân thủ 5K trong quá trình thăm khám. “Khi quyết định điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ cần biết bệnh nhân tiêm phòng chưa, tiêm vaccine gì, thời gian là bao lâu. Nếu đã mắc Covid-19 thì thời gian mắc là bao lâu, các triệu chứng khi mắc là gì, đã sử dụng thuốc gì, tình trạng sau khi mắc bệnh. Dựa vào đó chúng tôi sẽ khuyên bệnh nhân nên can thiệp vào thời gian nào để sinh con cho phù hợp và tránh ảnh hưởng của dịch bệnh đến khả năng sinh sản” – BS Nguyễn Thị Nhã nói.

Trước những băn khoăn về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 và nhiễm SARS-CoV-2 có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, BS Nguyễn Thị Nhã cho biết, các nghiên cứu về vấn đề này hiện chưa có nhiều. Tuy nhiên, qua những thông tin mà bác sĩ Nhã cập nhật từ các nghiên cứu trên thế giới về mối liên quan giữa Covid-19 và khả năng sinh sản, cho đến thời điểm này các nhà khoa học đã kết luận vaccine không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Tuy nhiên, các tác dụng phụ có thể gặp sau tiêm như sốt, mệt mỏi có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị hỗ trợ sinh sản. Vì vậy, sau khi tiêm vaccine ít nhất 2 tuần đến 1 tháng, các cặp vợ chồng mới nên áp dụng các phương pháp điều trị hỗ trợ sinh sản.

Đối bệnh Covid-19, theo các nghiên cứu từ Mỹ và châu Âu, SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào thông qua thụ thể ACE2. Thụ thể này có mặt ở các tế bào tinh hoàn cũng như buồng trứng. Vì vậy, Covid-19 có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng trứng và tinh trùng. Một số nghiên cứu cho thấy, sau mắc Covid-19 từ 1 đến 2 tuần thì 1,4% mẫu tinh dịch của nam giới vẫn còn SARS-CoV-2. Vì vậy, nam giới nên đợi ít nhất 1 tháng và nữ giới đợi khoảng 2-3 tháng sau khi khỏi bệnh Covid-19 thì mới nên thực hiện hỗ trợ sinh sản.

Tại BV Bưu điện, trong quá trình thực hiện hỗ trợ sinh sản, nếu bệnh nhân mắc Covid-19 thì tùy từng trường hợp, các bác sĩ sẽ có hướng xử trí sao cho hợp lý và tốt nhất cho các cặp vợ chồng. “Với những ca làm IUI nếu chỉ theo dõi chu kỳ kinh bình thường để bơm tinh trùng hoặc đang kích trứng chúng tôi sẽ cho tạm dừng. Hay với những ca làm IVF, nếu mới chỉ tiêm được 1 - 2 mũi kích trứng thì chúng tôi cũng cho dừng. Nhưng nếu bệnh nhân đã tiêm được 6 -7 mũi và sắp sửa chọc được trứng thì chúng tôi vẫn tiến hành thủ thuật cho bệnh nhân ở khu cách ly dành cho người mắc Covid-19” – BS Nguyễn Thị Nhã cho biết.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã khuyến cáo, phụ nữ mang thai bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản vẫn nên tiêm đủ 3 mũi vaccine phòng Covid-19. Nếu không may nhiễm bệnh thì cần nghỉ ngơi đầy đủ, sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý sử dụng thuốc kháng virus vì có nguy cơ gây dị tật cho thai nhi. Những trường hợp có dấu hiệu chuyển nặng cần nhập viện để được theo dõi và điều trị, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.