Trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, Viện Dinh Dưỡng quốc gia đã phối hợp với Quỹ Ajinomoto tổ chức hội thảo quốc tế về “Phát triển năng lực hệ thống trong công tác Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế tại Việt Nam”. Hội thảo có sự tham gia của gần 300 đại biểu trong nước và quốc tế. Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ thông tin về những kết quả đạt được và khó khăn thuận lợi của hoạt động dinh dưỡng lâm sàng tiết chế tại Việt Nam.

Theo PGS. TS Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, dinh dưỡng lâm sàng tiết chế là một trong những hoạt động quan trọng của công tác dinh dưỡng. Tại nước ta, chương trình đào tạo cử nhân dinh dưỡng tiết chế được bắt đầu từ năm 2013, hiện đã đào tạo được 785 cử nhân dinh dưỡng. Tuy nhiên, với gần 1.500 bệnh viện, số lượng cử nhân dinh dưỡng hiện nay chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tế.

“Những yếu tố về nguồn lực đầu tư, công tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực cũng như truyền thông dinh dưỡng với người dân còn hạn chế. Hiện số lượng, tỉ lệ cử nhân dinh dưỡng trên giường bệnh còn thiếu theo quy định của Bộ Y tế, kỹ năng đánh giá dinh dưỡng, tư vấn phục hồi chức năng từng bệnh nhân, từng loại bệnh cũng còn nhiều hạn chế, đặc biệt ở tuyến cơ sở..." - PGS. TS Trần Thanh Dương nói.

Bên cạnh đó, theo GS.TS Lê Danh Tuyên, Chủ tịch Hội Tiết chế dinh dưỡng Việt Nam, hiện nay chúng ta chưa có quy định rõ ràng về việc cử nhân dinh dưỡng sau tốt nghiệp cần trang bị thêm cái gì để được cấp chứng chỉ hành nghề. Cử nhân dinh dưỡng cũng chưa có quyền chủ động trong việc thăm khám tư vấn dinh dưỡng, hầu hết phụ thuộc vào bác sĩ dinh dưỡng. Tại các bệnh viện, cử nhân dinh dưỡng chưa được coi trọng, khoa dinh dưỡng còn mới và đặc biệt "một số lãnh đạo bệnh viện không nghĩ khoa dinh dưỡng là một phần để giúp đỡ bệnh nhân khỏe mạnh, chưa coi dinh dưỡng là phương tiện điều trị...".

Tham luận tại hội thảo, các chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản trong ngành Dinh dưỡng tiết chế đã chia sẻ thông tin về kinh nghiệm, quy trình cấp chứng chỉ hành nghề đối với cử nhân dinh dưỡng và công tác phối hợp đa khoa trong điều trị dinh dưỡng cho người bệnh ở các lĩnh vực ngoại khoa, hồi sức tích cực.

"Đây là những kinh nghiệm vô cùng quý báu cho Việt Nam để thực hiện tốt công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực dinh dưỡng lâm sàng tiết chế, bởi dinh dưỡng tiết chế đóng vai trò rất quan trọng trong chăm sóc sức khỏe người bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại bệnh viện các tuyến" - PGS. TS Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia khẳng định.