Dậy thì sớm được xác định là trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai. Sự phát triển ở tuổi dậy thì bị ảnh hưởng đáng kể bởi chế độ dinh dưỡng, trong đó, tình trạng dinh dưỡng trong thời thơ ấu có thể quyết định tới 25% về thời điểm dậy thì.

Thịt, sữa có phải là nguyên nhân?

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn – Viện Trưởng Viện YH ứng dụng, sữa là nguồn cung cấp protein quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ và phần lớn các nghiên cứu đều khẳng định ảnh hưởng của sữa với tình trạng dậy thì sớm ở trẻ là không được kiểm chứng, tức là không có ảnh hưởng.

Còn với thịt, về lý thuyết, chất đạm động vật và thực vật rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Khi trẻ còn nhỏ chất đạm động vật được ưu tiên hơn, tuy nhiên ở giai đoạn dậy thì, lượng đạm động vật và thực vật đưa vào cơ thể mỗi ngày nên cân đối nhau hoặc đạm động vật có thể nhiều hơn một chút. Tuy nhiên, qua khám và đánh giá khẩu phần ăn của trẻ tại phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM (thuộc Viện Y học ứng dụng VN), TS.BS Trương Hồng Sơn cho biết, nhiều trẻ đang ăn không cân đối, ăn nhiều thịt và ít chất đạm thực vật.

Việc trẻ ăn nhiều đạm động vật, ít đạm thực vật có thể ảnh hưởng tới tình trạng dậy thì sớm, bởi nếu ăn nhiều thức ăn động vật có thể kích thích tiết ra IGF-1 (yếu tố tăng trưởng giống Insulin-1) qua trung gian protein và có thể khiến thời điểm dậy thì ở trẻ đến sớm hơn”- TS.BS Trương Hồng Sơn thông tin.

Việc trẻ ăn nhiều thịt và không ăn chất đạm thực vật còn dẫn tới béo phì và theo TS.BS Trương Hồng Sơn, đây mới là nguyên nhân đã được các nhà khoa học khẳng định là có liên quan trực tiếp đến tình trạng dậy thì sớm ở trẻ. “Tình trạng béo phì, tốc độ tăng trưởng nhanh trong những năm đầu đời ở những trẻ có cân nặng sơ sinh thấp được coi là yếu tố thúc đẩy dậy thì sớm”. Các nghiên cứu tại Thụy Điển và Mỹ cũng đã cho thấy, trẻ có chỉ số BMI liên quan đến thừa cân béo phì cao sẽ có nguy cơ dậy thì sớm.

Tuy nhiên, TS.BS Trương Hồng Sơn lưu ý, cha mẹ đừng vì sợ con dậy thì sớm mà giảm lượng thức ăn động vật ở trẻ vì đây là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự phát triển. Việc cần làm là cân đối giữa lượng đạm động vật và thực vật đưa vào cơ thể trẻ mỗi ngày sao cho hợp lý. Trong thực tế khám và tư vấn bác sĩ Trương Hồng Sơn đã gặp tình huống con đang suy dinh dưỡng nhưng do mẹ sợ con dậy thì sớm đã hạn chế cho con ăn thịt, uống sữa và các chất dinh dưỡng khác, làm như vậy hoàn toàn không tốt cho trẻ.

Thừa cân, béo phì gây dậy thì sớm nhưng thiếu cân hoặc thiếu chiều cao từ giai đoạn sơ sinh và giai đoạn nhỏ thì lại làm cho giai đoạn dậy thì ngắn lại. Ví dụ, trẻ gái 9-11 tuổi là bước vào giai đoạn dậy thì và thời gian này kéo dài đến 15 tuổi hoặc 17 tuổi, với trẻ thừa cân thì 7,8 tuổi đã có dậy thì. Trẻ suy dinh dưỡng dậy thì muộn hơn, khoảng 9-11 tuổi mới bắt đầu nhưng chỉ đến 13 tuổi là kết thúc vì vậy cha mẹ nên có hiểu biết để chăm sóc con một cách tốt nhất"… TS.BS Trương Hồng Sơn cảnh báo.

Cũng theo BS Sơn, muốn con phát triển bình thường, dậy thì đúng tuổi, cha mẹ cần biết cân nặng, chiều cao của con như thế nào, thừa hay thiếu cân để điều chỉnh và quan trọng hơn là cho con ăn uống đầy đủ, cân đối giữa các thành phần dinh dưỡng. Nên ưu tiên những thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng như sắt, kẽm, vitamin D, hạn chế cho con ăn hoặc sử dụng một thực phẩm có thể ảnh hưởng đến dậy thì sớm như nước ngọt, thực phẩm chiên rán, đồ ăn có chứa nhiều muối... Đặc biệt, TS.BS Trương Hồng Sơn lưu ý “các bà mẹ nhiều khi hay mặc kệ khi thấy con sử dụng 1 số đồ trang điểm của mình nhưng có 1 số loại liên quan đến hormon etrogen, testosterol và có thể làm cho con dậy thì sớm”.

Như vậy, một chế độ ăn uống lành mạnh cân bằng và đầy đủ trong tất cả các giai đoạn tăng trưởng (giai đoạn sơ sinh, thời thơ ấu và dậy thì) là cần thiết để cơ thể trẻ có thể tăng trưởng một cách thích hợp và phát triển bình thường ở tuổi dậy thì.