Có thể nói, qua 20 năm thực hiện Chỉ thị 06 của Ban bí thư, nước ta đã đạt được những thành tích đáng tự hào về củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở (YTCS). Tuy nhiên, để YTCS vượt qua được những thách thức hiện tại, thực sự phát huy hiệu quả trong giai đoạn mới, chúng ta phải giải một bài toán không đơn giản đó là: cung ứng chất lượng dịch vụ y tế tốt, đảm bảo để YTCS làm tròn chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, trong bối cảnh tài chính hạn hẹp. Vì thế, việc Ban Bí thư Trung ương Ðảng ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW về "Tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới" ngày 25/10/2023 được coi là đòn bẩy để “chặng đường mới” của YTCS tươi sáng hơn.

Theo PGS-TS Phan Lê Thu Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Tài chính - Bộ Y tế - mục tiêu cốt lõi được nêu trong Chỉ thị số 25 đó là sự chuyển đổi toàn diện trong đó có sự đổi mới về đầu tư và cơ chế tài chính cho YTCS:

"Chỉ thị 25 đã thấy rõ những bất cập và phải đưa ra các giải pháp, thực ra bộ y tế có 2 dự án về đổi mới cung ứng dịch vụ tuyến y tế cơ sở đối với 13 tỉnh nghèo vùng miền núi của ADB và Worl Bank đã phủ 29 tỉnh và trực tiếp là mỗi dự án xây dựng mới 500-600 trạm y tế, sửa chữa vài trăm trạm. Đây là nguồn lực cùng với nguồn phục hồi kinh tế để cùng thực hiện mục tiêu của Chỉ thị 25 mà Ban bí thư đã đề ra để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại trạm y tế trên cơ sở xây mới, đào tạo nhân lực vì nếu chỉ có các trạm y tế khang trang mà không có nhân viên y tế, không có thiết bị thì cung không đáp ứng được mong mỏi của người dân. Đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ"- bà Phan Lê Thu Hằng cho biết.

Để từng bước giải quyết những khó khăn, tạo năng lượng mới cho YTCS, Chỉ thị số 25 đã có những bước chuyển đổi quan trọng đó là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của các địa phương trong quản lý nguồn lực.

"Đặc biệt huy động thêm nguồn lực bổ sung để YTCS phát triển từ nguồn vốn vay ODA và những nguồn vốn vay ưu đãi. Nhiệm vụ chính là triển khai kế hoạch và đảm bảo nguồn kinh phí là trách nhiệm của từng địa phương. Khi Ban cán sự Đảng, Chính phủ cũng có kế hoạch triển khai thì trong đấy các nội dung sẽ rất cụ thể và rõ vai trò của từng bộ ngành, địa phương cũng như Bộ Y tế"- bà Hằng nói.

Bên cạnh đó, Chỉ thị 25 cũng nhấn mạnh yêu cầu cần tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở và việc đầu tư cho y tế cơ sở phải gắn với đổi mới cơ chế tài chính và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Theo đó, bà Phan Lê Thu Hằng cho rằng, quan điểm đầu tư cho YTCS trong chăm sóc sức khỏe nhân dân đã có sự thay đổi so với trước đây,

"Quan niệm trước đây là đầu tư cho YTCS không cần nhiều kinh phí, đầu tư rẻ tiền sang quản điểm đầu tư cho chăm sóc sức khỏe ban đầu đòi hỏi kinh phí đầu tư tương xứng nhưng là phương thức đầu tư mang lại hiệu quả, tối ưu cho sức khỏe của người dân và điểm cực kỳ quan trọng đó là phải thay đổi cách tiếp cận mang tính hệ thống, không chỉ chú trọng các yếu tố nội tại của hệ thống y tế mà phải chú ý sự cân bằng tổng thể của hệ thống y tế cũng như sự tương tác của hệ thống y tế với các ngành, lĩnh vực khác cũng như cộng đồng dân cư"- bà Hằng nhấn mạnh.

Đổi mới phương thức phân bổ ngân sách theo hướng Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tăng chi cho YTCS dựa trên kết quả hoạt động và điều kiện thực tiễn; áp dụng phương thức Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cho YTCS thực hiện các gói dịch vụ y tế cơ bản; chi trả theo hướng khuyến khích cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý sức khỏe dân cư tại cộng đồng. Hoàn thiện giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo hướng tính đúng, tính đủ, xác định rõ chính sách phúc lợi, chính sách an sinh trong giá dịch vụ y tế. Nghiên cứu tiếp tục tăng mức đóng BHYT theo lộ trình phù hợp với ngân sách nhà nước, khả năng chi trả của nhân dân; từng bước mở rộng danh mục dịch vụ thuộc phạm vi của YTCS do quỹ BHYT chi trả phù hợp với mức đóng.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực YTCS với các chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ tương xứng để thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi làm việc, gắn bó lâu dài tại YTCS, nhất là vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.

Đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của YTCS gắn với đổi mới cơ chế tài chính và các mặt khác chính là đòn bẩy để sớm hoàn thành mục tiêu mọi người dân đều được theo dõi, quản lý sức khỏe toàn diện. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ tham gia BHYT đạt trên 95% dân số; trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại YTCS được BHYT chi trả; trên 95% dân số được quản lý sức khỏe; người có nguy cơ cao mắc bệnh được kiểm tra sức khỏe ít nhất mỗi năm một lần, hướng tới kiểm tra sức khỏe định kỳ cho toàn dân…