150.000 đứa trẻ và bước tiến của y học hiện đại

Với nhiều người phụ nữ, hành trình làm mẹ không bắt đầu bằng một tin vui, mà bằng những năm tháng điều trị vô sinh đầy kiên trì và hy vọng. Như trường hợp của chị Trần Thùy Linh, ở Bắc Ninh, từng đối mặt cùng lúc với nhiều nguyên nhân khiến khả năng làm mẹ tưởng chừng khép lại: tắc vòi trứng, u xơ tử cung, kiệt quệ cả thể chất lẫn tinh thần. Nhưng rồi khát khao được ôm con đã níu chị lại. Chị chọn IVF – thụ tinh trong ống nghiệm – như một phép thử cuối cùng cho ước mơ làm mẹ.

"Lúc chuyển phôi, nghĩ nhiều lắm. Không biết lần này có được không… hay lại thất vọng thêm một lần nữa" – chị Linh chia sẻ.

Khoảnh khắc hai thiên thần nhỏ được đưa đến bên chị trên bàn mổ, dù cơn đau còn đó – là lúc chị biết mình đã chạm đến giấc mơ. Sau bao năm tháng, chị được bế, được ôm con bằng cả hai tay và trái tim.

Chị Linh không đơn độc. Suốt 17 năm ròng rã đi tìm tiếng khóc con thơ, chị Nguyễn Thị Kim Phấn, năm nay 47 tuổi, cũng đã trải qua những tháng ngày dài của tuyệt vọng để rồi vỡ òa hạnh phúc trong khoảnh khắc con gái đầu lòng cất tiếng chào đời.

"Rất chi là sung sướng. Sinh vào mùa nóng, tôi bị tăng huyết áp, bác sĩ phải tách con ra 10 ngày. Mỗi ngày chờ được nhìn mặt con mà hồi hộp như lần đầu yêu" – chị Phấn kể.

Từ năm 1998 – khi em bé đầu tiên chào đời bằng IVF tại Việt Nam – đến nay, khoảng 150.000 trẻ em đã ra đời nhờ kỹ thuật này. Tỷ lệ thành công trong điều trị vô sinh hiếm muộn hiện đã đạt tới 70%. Những con số biết nói ấy cho thấy sự phát triển vượt bậc của y học hiện đại – nơi mà mỗi giọt máu, mỗi tế bào được kỳ vọng là mầm sống.

Khi “phép màu” mang đến một hệ quả khác: Dư phôi

Tuy nhiên, cũng chính nhờ hiệu quả ngày càng cao của IVF, một vấn đề mới bắt đầu nổi lên – đó là tình trạng dư phôi

Hàng năm, Việt Nam thực hiện khoảng 50.000 chu kỳ IVF. Phôi được tạo ra nhiều hơn, quá trình trữ lạnh phôi ngày càng phổ biến. Trong nhiều trường hợp, khi người bệnh đã có con như mong muốn, những phôi còn lại không được sử dụng nữa mà bảo quản trong ni-tơ lỏng ở nhiệt độ -196 độ C.

Phôi dư – phải chăng là hệ quả tất yếu của kỹ thuật IVF, hay phản ánh tư duy điều trị chưa điều chỉnh kịp với thực tiễn?

BS Hồ Mạnh Tường – Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP.HCM cho biết: hiện tượng phôi dư phát sinh chủ yếu từ việc kích thích buồng trứng nhằm lấy nhiều trứng trong một chu kỳ để tăng cơ hội thành công. Ở các bệnh nhân có đáp ứng tốt, số phôi tạo ra vượt xa nhu cầu thực tế.

“Một số cặp vợ chồng chỉ mong có 1–2 con, nhưng lại có thể có đến hàng chục phôi. Việc này dẫn tới sự tích lũy phôi đông lạnh ở các trung tâm ngày càng nhiều, kéo dài qua nhiều năm”.

Hiện tại, Việt Nam chưa có quy định cụ thể về thời gian lưu trữ phôi. Việc giữ lại hay hủy phôi phụ thuộc vào mong muốn của bệnh nhân và điều kiện lưu trữ của bệnh viện. Trong trường hợp không đóng phí lưu trữ đúng hạn, các bệnh viện có quyền tiến hành hủy bỏ phôi sau một thời gian nhất định. Ngoài ra, phôi cũng có thể được tặng cho cặp vợ chồng khác hoặc sử dụng vào mục đích nghiên cứu – tất nhiên, phải theo quy trình được pháp luật quy định.

Về mặt đạo đức, có ý kiến cho rằng phôi là "mầm sống bị bỏ lại". Tuy nhiên, quan điểm này không thống nhất trên toàn thế giới. Có quốc gia không cho phép đông lạnh phôi, buộc phải sử dụng toàn bộ trong một chu kỳ. Nhưng cũng có nơi coi phôi mới chỉ là vật chất sinh học tiềm năng, không mang tính sinh mạng.

Cách nào để giảm tình trạng dư phôi?

Theo BS Hồ Mạnh Tường, một giải pháp là điều chỉnh phác đồ điều trị: không nên lấy quá nhiều trứng ở những người có tiên lượng tốt, bởi chi phí tạo ra và lưu trữ phôi cũng không nhỏ. Hơn nữa, lưu trữ phôi lâu dài dù ít ảnh hưởng về mặt sinh học, nhưng một số nghiên cứu gần đây cho thấy thời gian trữ quá dài (từ 5–7 năm trở lên) có thể ảnh hưởng đến khả năng làm tổ và phát triển của phôi sau khi rã đông.

Điều quan trọng không kém là truyền thông đúng và đủ. Khi người bệnh hiểu rằng không cần tạo quá nhiều phôi để “phòng thất bại”, cũng là lúc bác sĩ có thể cá nhân hóa điều trị, cân nhắc lại mức độ kích thích buồng trứng, giảm được gánh nặng y tế và chi phí về sau.

Dư phôi không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà còn là hệ quả của cách tư duy điều trị – từ cả phía thầy thuốc và người bệnh. Điều chỉnh hợp lý từ khâu chỉ định, phác đồ, đến khâu truyền thông tư vấn là bước đi cần thiết để cân bằng giữa hiệu quả và trách nhiệm, tránh lặp lại tình trạng “tạo ra nhiều hơn mức cần thiết” – rồi để lại những quyết định bỏ ngỏ.