TS.BS Nguyễn Thế Vỹ - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu HN cho biết, cách đây gần 1 năm đã điều trị cho một bệnh nhân bị hoại tử mũi sau khi thực hiện phẫu thuật nâng mũi ở một cơ sở spa.“Chúng tôi phải xử lý rất kỳ công để phục hồi vết thương, kết quả cuối cùng dù mũi không bị biến dạng nhưng vẫn có vết sẹo nhỏ, đó là điều rất đáng tiếc”.

Đây chỉ là 1 trong số rất ít các trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ bị “hỏng”phải đến các bệnh viện để chữa lành. Theo TS.BS Nguyễn Thế Vỹ, trong số những biến chứng sau thẩm mỹ, chiếm số lượng nhiều nhất, hay gặp nhất là những biến chứng do tiêm filer, tiêm botox hay tiêm meso; thứ 2 là làm đẹp bằng công nghệ, ví dụ như công nghệ nâng cơ hay trẻ hóa da...

“Trên mạng xã hội nhiều nơi quảng cáo làm 1-2 lần mà trẻ đến 5-10 tuổi điều đó thực sự không có. Chính vì can thiệp không đúng, quy trình làm không đúng dẫn đến biến chứng rất lớn. Nếu tiêm là biến chứng sẹo, hoại tử các tổ chức mô, rồi mù mắt. Với nhóm điều trị công nghệ máy, bình thường lẽ ra sau làm phải đẹp lên nhưng lại bị sẹo, da bị bỏng, bị tăng sắc tố, mất sắc tố tạo cảm giác hình thái da bị loang lổ. Như vậy tiền mất lại không đẹp mà còn mang bệnh vào người” - TS.BS Nguyễn Thế Vỹ nói.

Giống như các can thiệp y khoa khác, phẫu thuật thẩm mỹ cũng có tỷ lệ biến chứng nhất định. Để giảm thiểu rủi ro khi làm đẹp, TS.BS Nguyễn Thế Vỹ khuyến cáo, chị em hãy là những khách hàng thông minh."Khi muốn đi làm đẹp, dù chỉ là một thủ thuật đơn giản, vấn đề đầu tiên khách hàng cần quan tâm là cơ sở có được cấp phép thực hiện dịch vụ kỹ thuật đó hay không, có đầy đủ trang thiết bị và đặc biệt có đội ngũ y bác sĩ có kinh nghiệm không - cái này rất quan trọng. Ngoài ra cần xem những sản phẩm sử dụng trong tiêm, trị liệu.. có được Bộ y tế cho phép thực hiện trên người không. Sau khi làm đẹp cần chăm sóc theo tư vấn của cơ sở điều trị, làm được như vậy rủi ro sẽ là thấp nhất".

Nghe cuộc trò chuyện với TS.BS Nguyễn Thế Vỹ tại đây: