Theo Ths.BS Nguyễn Thế Thịnh – Khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E, thận là cơ quan quan trọng của cơ thể, đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng như lọc máu, lọc các chất độc hại ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, thận còn giúp điều hòa huyết áp, điều hòa lượng dịch ra vào cũng như thăng bằng kiềm toan trong cơ thể. Bệnh thận mạn là tình trạng thận bị tổn thương kéo dài theo thời gian và không hồi phục.

Mặc dù nước ta chưa có số liệu thống kê chính thức về số người mắc các bệnh lý ở thận, song ước tính có khoảng 5 triệu người bị suy thận, trong đó có khoảng 26.000 người mắc suy thận mạn giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo và mỗi năm có khoảng 8.000 ca bệnh mới. Đáng lưu ý là bệnh nhân trẻ đã tăng từ 5-10%. Đây là con số đáng lo ngại bởi nhóm bệnh nhân này đang ở độ tuổi lao động, khi bị mắc bệnh thì không những sức khỏe suy giảm mà còn trở thành gánh nặng cho gia đình.

“Nhiều người trẻ không có biểu hiện gì cả, người ta phát hiện ra bệnh trong dịp tình cờ đi khám sức khỏe định kỳ, khám nghĩa vụ quân sự hoặc tiền hôn nhân. Có người khi phát hiện đã ở giai đoạn cuối, phải điều trị thay thế thận” – Ths.BS Nguyễn Thế Thịnh cho biết.

Về nguyên nhân gây bệnh thận mạn ở người trẻ, Ths.BS Nguyễn Thế Thịnh cho rằng, do hiện nay, nhiều người trẻ nạp quá nhiều thức ăn thừa năng lượng hoặc đồ ăn nhanh có nhiều chất bảo quản, làm gia tăng tình trạng suy thận. Bên cạnh đó, nguyên nhân chính là ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á, bệnh lý viêm cầu thận hoặc bệnh lý tự miễn gia tăng. Ngoài ra, người trẻ tuổi trong độ tuổi lao động bị bệnh mạn tính như tăng huyết áp hay đái tháo đường cũng tăng. Đây là nguyên nhân khiến bệnh thận mạn đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa.

Mặc dù triệu chứng của bệnh thận mạn thường mơ hồ và không đặc hiệu, tuy nhiên có một số dấu hiệu có thể gợi ý cho người bệnh nên đi khám sớm, đó là tăng huyết áp ở độ tuổi 20-30, đi tiểu nhiều hơn bình thường và nước tiểu bọt, cơ thể mệt mỏi, chóng mặt, ngủ kém. Khám càng sớm thì khả năng bảo tồn thận càng lâu, tránh việc bệnh chuyển nhanh sang suy thận.

Nếu chúng ta tuân thủ tốt điều trị, áp dụng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hạn chế đồ ăn nhanh, bia rượu, thịt, trứng, cá hồi, cá thu, những thực phẩm giàu kali, ướp muối; duy trì tập thể dục thì sẽ giữ cho giai đoạn bệnh thận mạn chậm tiến triển.

Người bị bệnh thận mạn cũng nên thận trọng khi dùng thuốc bởi nếu dùng thuốc không rõ nguồn gốc, không đúng liều lượng, đúng bệnh thì sẽ có thể khiến cho mức độ bệnh thận mạn của mình sẽ tiến triển nhanh hơn.