Theo kết quả quan trắc không khí bốn đợt gần nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, nồng độ bụi mịn PM2.5 ở thành phố đều vượt ngưỡng cho phép so với quy chuẩn Việt Nam là 50 µg/m3. Trong tháng 9, giá trị tối đa của nồng độ bụi mịn PM2.5 đo được là 52 µg/m3. Tháng 10, nồng độ tối đa là 59 µg/m3 và lên 66 µg/m3 trong đợt đo gần nhất ở cuối tháng 11.

Bụi mịn hay bụi PM2.5 là những hạt bụi li ti trong không khí, khi nồng độ tăng lên, không khí sẽ mờ đi và tầm nhìn bị giảm trông giống như sương mù. Thời điểm giao mùa khoảng đầu tháng 11 đến cuối tháng 12, thành phố thường xảy ra hiện tượng mù sương vào sáng sớm. Thời điểm này nhiệt độ xuống thấp, có sự chênh lệch giữa ban ngày và ban đêm từ 10 đến 12 độ C dẫn đến hiện tượng nghịch đảo nhiệt độ cục bộ.

Lúc này, nhiệt độ các lớp không khí gần mặt đất thấp hơn nhiệt độ không khi lớp tầng cao, không khí không thể đối lưu, tạo ra lớp mù sương. Khi có sẵn hơi nước, thêm yếu tố ô nhiễm không khí khói, bụi, những chất lơ lửng bay trong không khí không nhìn được bằng mắt thường. Chính những hạt bụi mịn trong không khí làm cho những hạt sương, hạt hơi nước bám vào, tạo màn sương mờ đục.

Hà Nội cũng vừa trải qua những ngày không khí ở ngưỡng xấu có hại đến sức khỏe người dân. Không khí thường ô nhiễm vào đêm muộn kéo dài đến sáng sớm, thậm chí là đến trưa hôm sau. Đợt ô nhiễm này bắt đầu từ ngày 3/11. Hàng chục điểm đo chất lượng không khí của mạng lưới PAM Air ghi nhận chất lượng không khí Hà Nội phổ biến ở ngưỡng đỏ (ngưỡng xấu - có hại cho sức khỏe tất cả mọi người), cá biệt một số điểm lên ngưỡng tím (ngưỡng rất xấu - rất có hại cho sức khỏe mọi người). Tình trạng này duy trì suốt buổi sáng, đến trưa chiều, chất lượng không khí được cải thiện nhưng vẫn phổ biến ở ngưỡng đỏ và ngưỡng cam.

Ngoài ra, theo Trung tâm Quan trắc môi trường miền bắc, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiều tỉnh có chất lượng không khí đo được ở mức xấu, gồm có Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương với chỉ số bụi mịn PM2.5 duy trì ở ngưỡng 161-172.

Đây đều là những thành phố có số lượng lớn phương tiện tham gia giao thông hàng ngày, đặc biệt là dịp cuối năm, các chuyến xe tăng mạnh phục vụ lễ tết và nhu cầu đi lại của người dân. Vậy nên, nồng độ bụi mịn và tình trạng ô nhiễm không khí ảnh hưởng từ hoạt động giao thông ở giai đoạn này tăng cao.

Bụi mịn có kích thước siêu nhỏ nên có thể xâm nhập sâu vào phổi, có thể trở thành tác nhân khởi phát bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hoặc các bệnh lý viêm mũi xoang dị ứng. Đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất là người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm toàn cầu có khoảng 7 triệu cái chết liên quan đến ô nhiễm không khí. Tại Việt Nam thì con số này là 60.000 người.

Hiện nay, thời tiết ở Hà Nội dù mới vào đông nhưng ghi nhận tại các bệnh viện đều cho thấy người già và trẻ em đến khám, điều trị do mắc bệnh hô hấp tăng gấp đôi so với tháng trước.

Vì vậy, để phòng ngừa tác hại của bụi mịn và ô nhiễm không khí, bác sĩ khuyến cáo, người dân nên tránh những nơi quá đông đúc xe cộ, tăng cường tập thể dục nâng cao sức khỏe, cải thiện sức đề kháng, hạn chế tập thể dục vào sáng sớm do thời điểm này dễ dẫn đến đột quỵ.

Trẻ em có sức đề kháng yếu, hệ tai mũi họng dễ mẫn cảm và dị ứng, nên ăn uống đầy đủ dưỡng chất, uống nhiều nước, tránh tiếp xúc môi trường bụi bẩn, khói thuốc. Bổ sung thực phẩm giàu đạm từ thịt, cá, trứng, ngũ cốc nguyên hạt, sản phẩm từ sữa ít béo, ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C từ nước cam, chanh, bưởi, dưa hấu... Giữ ấm, không tự ý dùng thuốc hay kê kháng sinh uống tại nhà.