Hai mẹ con chị Lê Thanh (Đống Đa, Hà Nội) mắc cúm A từ đầu tháng 7/2022. Để điều trị, chị mua 2 hộp Tamiflu với giá 800 nghìn đồng/hộp. Chị cho biết, trước đó giá thuốc này khoảng 500 nghìn đồng nhưng do cần gấp nên chị chấp nhận mua đắt hơn 300 nghìn đồng. “Sau 2 ngày dùng thuốc, triệu chứng cũng thấy đỡ”, chị chia sẻ.

Hiện tại không ít người dân do lo ngại cúm A nên mua tích trữ thuốc Tamiflu, giá thuốc ở ngoài thị trường cũng rất đa dạng.

Tại trang web Tra cứu giá thuốc của Cục quản lý dược, Bộ Y tế, Tamiflu viên nang cứng (75mg), hộp 1 vỉ gồm 10 viên được quy định giá 44,877 nghìn đồng/viên, tương đương gần 450 nghìn đồng/hộp. Ở một số cửa hàng thuốc tại quận Hà Đông, Thanh Xuân (Hà Nội) 1 hộp Tamiflu được bán với giá 600 - 650 nghìn đồng.

Giá thuốc cúm A nhiều nơi bán trên 600 nghìn đồng/hộp, thậm chí có người dân phải chi gần 1 triệu đồng/hộp để mua.

Về vấn đề này, các chuyên gia khuyên người dân không nên tích trữ Tamiflu trong nhà. BS Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm Khuẩn - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM lý giải số ca mắc cúm A tăng do thời gian dịch Covid-19, người dân không có điều kiện đi tiêm vaccine các bệnh khác (trong đó có cúm) một cách đầy đủ.

Nguyên nhân thứ 2 là do sau dịch, gia tăng sự giao thoa, đi lại, sinh hoạt, du lịch…giữa các địa phương. Bên cạnh đó, hiện chúng ta làm xét nghiệm nhiều sẽ phát hiện nhiều ca bệnh. Vì vậy người dân không nên quá hoang mang, lo lắng với số ca mắc có xu hướng tăng.

Cũng theo BS Khanh, điều trị cúm A chủ yếu là điều trị triệu chứng. Thuốc kháng virus dùng trong điều trị có thể dùng Tamiflu, tuy nhiên thuốc này phải có chỉ định của bác sĩ.

“Người bệnh bị viêm phổi siêu vi cấp tính do cúm mới cân nhắc dùng Tamiflu hoặc người có bệnh nền tiểu đường mắc cúm A, có khả năng diễn biến nặng hơn mới dùng Tamiflu. Tamiflu không dùng được đại trà do bệnh nhân mắc cúm đa số tự khỏi. Chúng ta không nên dự trữ, khi dùng phải có sự kê đơn của bác sĩ”, BS Khanh khuyến cáo.

Về biến chứng cúm A, theo BS Khanh, bệnh có thể gây viêm phổi siêu vi, bệnh nhân phải thở máy tuy nhiên tỷ lệ thấp. “Có trẻ mắc cúm A bị sốt cao dẫn đến co giật, viêm não nhưng tỷ lệ rất thấp. Điều này cho thấy chúng ta không nên quá lo lắng”. Cũng theo BS Khanh, điều quan trọng, người dân nên phòng ngừa bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và tiêm phòng vaccine hàng năm.

Tương tự, TS.BS Nguyễn Thành Nam – Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, xử trí trẻ nghi ngờ nhiễm cúm chủ yếu điều trị hỗ trợ như hạ sốt, bổ sung nước điện giải, tăng cường dinh dưỡng, vệ sinh mũi họng, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các trẻ khác hoặc những người có cơ địa suy giảm miễn dịch, lưu ý nằm trong môi trường thoáng khí, nhiệt độ mát.

Đặc biệt quan trọng là tiêm vaccine cúm hàng năm để tăng cường khả năng phòng ngừa nhiễm bệnh hoặc giảm mức độ nặng khi có nhiễm bệnh.

Gia đình cần theo dõi trẻ khi xuất hiện các dấu hiệu nặng hơn cần đi khám và điều trị tại bệnh viện ngay (khó thở - thở nhanh, lồng ngực rút lõm, tím môi, li bì hoặc kích thích vật vã, ăn kém hoặc bỏ ăn, nôn nhiều ...).

Việc sử dụng thuốc kháng virus hoặc kháng sinh phải do các bác sĩ quyết định sau khi thăm khám và đánh giá mức độ bệnh.

“Người bệnh không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng virus như Tamiflu, mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc”, TS.BS Nam khẳng định.