Những ngày qua, Khoa Hồi sức cấp cứu nhi, Bệnh viện ĐK Xanh Pôn tiếp nhận số lượng bệnh nhi mắc virus hợp bào hô hấp (RSV) tăng mạnh. Trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 10 trẻ phải nhập viện cấp cứu do bệnh lý này. Theo đánh giá của các bác sỹ, đây là sự gia tăng bất thường, bởi virus RSV thường phát triển mạnh vào mùa đông xuân.
Bé Nguyễn An Nhiên, 3 tháng tuổi ở huyện Ba Vì, TP. Hà Nội phải nhập viện điều trị viêm phổi do RSV đã hơn chục ngày. Theo chị Phùng Thị Thu mẹ của bé, 2 ngày đầu con chỉ ho húng hắng vài tiếng, nhưng sang đến ngày thứ 3 diễn tiến bệnh trở nặng nhanh. Gia đình đưa cháu đi khám thì đã biến chứng viêm phổi, suy hô hấp phải tiến hành thở máy.
“Lúc đầu con chỉ ho, không chịu ăn, cứ cho bú lại đẩy ra. Em chỉ nghĩ cháu ho thường thôi nhưng 2 hôm sau cháu ho nhiều, tiếng ho cảm giác như cháu không thở được…Đi khám mới biết viêm phổi.” Chị Thu chia sẻ.
Theo các bác sỹ, do bé An Nhiên có tiền sử sinh thiếu tháng và nhẹ cân, sức đề kháng yếu, nên khi nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV dễ dẫn đến biến chứng viêm phổi hơn các trẻ khác.
Cũng phải thở máy 8 ngày liên tục để điều trị biến chứng suy hô hấp do virut RSV gây ra là trường hợp của bé Nguyễn Văn Hoàng Nam, 6 tháng tuổi. Chỉ sau 2 ngày có biểu hiện ho nhẹ bé Nam đã được chẩn đoán viêm phổi nặng, suy hô hấp phải nhập viện cấp cứu. Chị Nguyễn Thị Kim Thu, mẹ của bé Nam cho biết, trước đó chục ngày, bé cũng đã phải nhập viện điều trị 1 tuần vì bị viêm tiểu phế quản, tuy nhiên mức độ không nặng như lần này.
Trao đổi với phóng viên, BS Phí Văn Công - Khoa Hồi sức cấp cứu nhi, Bệnh viện ĐK Xanh Pôn cho biết, virus hợp bào hô hấp (RSV) là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là mùa thu - đông.
Trẻ bị nhiễm virus RSV thường có những dấu hiệu khởi phát là các triệu chứng của viêm long đường hô hấp trên như ho, hắt hơi, sổ mũi… Giai đoạn toàn phát trẻ khò khè, ho, thở nhanh. Trẻ sơ sinh có thể tím tái hoặc có cơn ngừng thở.
BS Công cũng cho biết, các yếu tố nguy cơ mắc bệnh và khiến bệnh trở nặng gồm: Trẻ đẻ non, cân nặng khi sinh thấp; trẻ dưới 3 tháng tuổi; trẻ có bệnh tim bẩm sinh có tăng áp lực động mạch phổi; trẻ có bệnh phổi mãn tính, gồm: Loạn sản phế quản phổi, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, suy dinh dưỡng nặng, trẻ bị bệnh lý thần kinh cơ.
Bác sĩ cũng cảnh báo về một số sai lầm của cha mẹ khi chăm sóc trẻ ho, sốt tại nhà là thường tự ý mua thuốc cho trẻ dùng nhất là thuốc kháng sinh. Việc làm này còn gây nguy cơ làm nặng thêm tình trạng của trẻ.
“Khi thấy trẻ có một trong các dấu hiệu nặng như: bỏ bú, ăn kém, thở nhanh rút lõm lồng ngực, tím tái, sốt cao, co giật, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sơ y tế để được khám và điều trị kịp thời”- BS Công nhấn mạnh.