Hiện hầu hết các loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đều đã hết. Vaccine uốn ván dự kiến sẽ hết vào tháng 12 và vaccine viêm não Nhật Bản dự kiến sẽ hết vào tháng 1-2024.

"Việc gián đoạn vaccine sẽ gây nguy cơ mắc bệnh cho trẻ. Nếu cả cộng đồng không được tiêm vaccine đầy đủ thì tỷ lệ bao phủ vaccine sẽ xuống thấp, dẫn đến nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh, trước mắt là dịch sởi, bạch hầu, ho gà…", bà Nga nói.

Đến nay, thành phố có gần 3.000 trẻ dưới 1 tuổi chưa được tiêm đủ 3 mũi vaccine 5 trong 1, 3.362 trẻ chưa được tiêm mũi sởi thứ nhất - đây là vaccine quan trọng nhất của trẻ dưới 1 tuổi, 8.882 trẻ dưới 2 tuổi chưa tiêm mũi sởi thứ hai, 18.084 trẻ chưa được tiêm mũi nhắc bạch hầu, uốn ván, ho gà vào thời điểm 18 tháng.

Mỗi phường xã đều đã lên danh sách các trẻ cần tiêm vaccine để cho trẻ đi tiêm ngay khi vaccine được phân bổ.

Ngoài ra, bà Nga cũng cho biết với thời tiết này, cần lưu ý các bệnh viêm đường hô hấp cấp, trong đó có bệnh ho gà - đây là bệnh cần phải được tiêm vaccine để phòng ngừa. Trước tình hình nguồn vaccine đang gián đoạn thì những biện pháp dự phòng không dùng thuốc vẫn là giải pháp tối ưu.

Nếu người lớn có triệu chứng viêm đường hô hấp thì không tiếp xúc trực tiếp với trẻ, rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với trẻ, đảm bảo vệ sinh nhà cửa, vật dụng. Người lớn cũng cần tiêm chủng đầy đủ để hạn chế việc lây bệnh cho trẻ em.

Những trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ, người nhà nên đưa trẻ đi tiêm ngay khi ngành y tế mời tiêm hoặc nếu có điều kiện có thể tiếp cận cơ sở ngoài Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Tại sao cứ liên tiếp thiếu vaccine?

Chia sẻ với báo chí về nguyên nhân xảy ra tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay theo quy định khi kết thúc Chương trình mục tiêu y tế - dân số và chuyển về nhiệm vụ thường xuyên của ngân sách địa phương thì trách nhiệm địa phương phải thực hiện từ năm 2023.

Trên cơ sở đó, Chính phủ và các bộ ngành cũng đã hướng dẫn các địa phương thực hiện. Năm 2022, Bộ Y tế đã làm dự toán kinh phí gửi các ngành để bổ sung kinh phí để làm, nhưng do vướng mắc trong quá trình chi thường xuyên của các địa phương nên chưa được thực hiện.

Để giải quyết tình huống cấp bách, Bộ Y tế đã trình Chính phủ cho phép tiếp tục sử dụng ngân sách trung ương để mua vaccine trong chương trình. Đến ngày 10-7, Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Y tế, tiếp tục sử dụng ngân sách trung ương mua vaccine tiêm chủng mở rộng.

Thế nhưng, đến nay sau hơn 4 tháng được đồng ý phân bổ ngân sách trung ương, việc cung ứng vaccine vẫn bị gián đoạn, các địa phương liên tục thông báo hết vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng dẫn đến nhiều trẻ em bỏ lỡ mũi tiêm. Thậm chí, vaccine viêm gan B tiêm chủng trong 24 giờ sau sinh cho trẻ cũng không còn.

Đại diện Văn phòng Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng thừa nhận hiện các vaccine sản xuất trong nước có xảy ra tình trạng thiếu cục bộ rải rác tại một số địa phương.

"Việc cung ứng vaccine trong năm 2023 đang được Bộ Y tế chỉ đạo sát sao các đơn vị liên quan. Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương thực hiện theo đúng các quy định hiện hành", vị này khẳng định.