Tại nước ta, ung thư gan là loại ung thư đứng hàng đầu cả về tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong. Bệnh nhân ung thư gan khi phát hiện thường có tiên lượng xấu, đặc biệt ở giai đoạn tiến triển, xuất hiện huyết khối tĩnh mạch cửa, người bệnh chỉ có thể sống thêm khoảng 3-4 tháng.
Theo BS CKI Nguyễn Anh Tuấn - Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Viện Ung thư – Bệnh viện Trung ương quân đội 108, huyết khối tĩnh mạch cửa ở bệnh nhân ung thư gan là sự xâm lấn trực tiếp của tổ chức ung thư hoặc sự di căn tế bào ung thư vào hệ thống tĩnh mạch cửa. Từ đó gây bít tắc 1 phần hoặc hoàn toàn tĩnh mạch cửa - là nguồn nuôi chính của gan, gây nên các biến chứng như hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa, hội chứng suy chức năng gan. Ở giai đoạn này việc lựa chọn các phương pháp điều trị rất khó khăn.
“Các bệnh nhân thường không còn chỉ định phẫu thuật và can thiệp mạch tại chỗ tiên lượng thời điểm này rất xấu, huyết khối tĩnh mạch cửa gần như bít tắc toàn bộ nguồn nuôi chính của gan. Và cứu cánh duy nhất ở giai đoạn này là sử dụng thuốc đích, tuy nhiên hiệu quả và giá thành quá cao không phải bệnh nhân nào cũng tiếp cận được”, BS Nguyễn Anh Tuấn cho biết
Với các bước tiến của kỹ thuật xạ trị, xạ trị ngoài đem lại hiệu quả và hy vọng mới trong chiến lược điều trị ung thư gan giai đoạn tiến triển. Trong đó, xạ trị lập thể định vị thân (hay còn gọi là SBRT) là một kỹ thuật cao cấp với các ưu điểm vượt trội: độ chính xác cao, tập trung liều điều trị tại u, giảm tác dụng phụ trên cơ quan lành đem lại hiệu quả cao trong quá trình điều trị. Dựa vào các ưu điểm trên, các nước trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về vai trò của SBRT trong điều trị huyết khối tĩnh mạch cửa và bước đầu đem lại những kết quả rất khả quan vì tỷ lệ kiểm soát huyết khối cao, giảm bệnh lý gan do tia xạ.
Tại Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Viện Ung thư, Bệnh viện Trung Ương Quân đội 108 với trang thiết bị hiện đại, đồng bộ như máy xạ trị-xạ phẫu Truebeam STx (Varian-Mỹ), hệ thống đồng bộ nhịp thở RGSC, 4D-CT mô phỏng… đã triển khai điều trị xạ trị lập thể định vị thân cho bệnh nhân ung thư gan tiến triển có huyết khối tĩnh mạch cửa từ năm 2018. Cùng với đó, cán bộ nhân viên của khoa cũng được đào tạo và hỗ trợ chuyển giao công nghệ của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA để làm chủ kỹ thuật đưa vào điều trị thường quy.
“Sử dụng bức xạ ion hóa có năng lượng cao chiếu vào huyết khối hoặc tế bào ung thư di căn để làm tiêu cho huyết khối đó…Đây là kỹ thuật ít xâm lấn thay thế hiệu quả cho phẫu thuật mà vẫn loại bỏ được tế bào ung thư.”, BS Nguyễn Anh Tuấn phân tích.
Nhờ trang bị hệ thống xạ tiên tiến Varian của Mỹ các bác sỹ có thể triệt tiêu chính xác vùng huyết khối hoặc tế bào ung thư gan di căn nhờ bộ phận cảm biến di động, từ đó hạn chế tối đa tổn thương vùng mô lành của gan.
Ông Đinh Hữu Võ 76 tuổi ở tỉnh Hà Nam, là một trong số những BN đã được điều trị thành công bằng kỹ thuật này, đến nay sức khỏe đã hoàn toàn bình thường.
“Gần đây nhất tôi đi kiểm tra ở Hà Nam thì siêu âm gần như là không phát hiện gì bất thường. Tôi ăn uống tập thể dục bình thường. Trước ngày nào cũng đạp xe 10 km, giờ trời rét thì hạn chế hơn. Nói chung sau điều trị thì thấy người khỏe không bị mệt như trước…”, ông Võ vui mừng chia sẻ.
Từ năm 2018 đến nay, Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Viện Ung thư – Bệnh viện Trung ương quân đội 108 đã điều trị thành công cho 40 bệnh nhân ung thư gan giai đoạn tiến triển. Bước đầu phương pháp này đã mang lại hiệu quả và an toàn cho bệnh nhân với tỷ lệ sống thêm sau 1 năm là 50%, thậm chí đã có những bệnh nhân sống thêm 2 năm. Kỹ thuật xạ trị lập thể định vị thân (SBRT) sẽ là vũ khí mới mang lại niềm hy vọng cho bệnh nhân ung thư gan giai đoạn tiến triển có huyết khối tĩnh mạch cửa.