Thông thường hạn sử dụng của thực phẩm sẽ cho chúng ta biết về thời gian mà thực phẩm đó bảo đảm về dinh dưỡng, an toàn để có thể sử dụng một cách an tâm nhất và việc xem hạn sử dụng trên bao bì nhãn mác của thực phẩm đã trở thành thói quen của người tiêu dùng.

Chính vì quan tâm đến hạn sử dụng của thực phẩm nên không ít người đã vội vàng bỏ đi khi thực phẩm đó đã quá hạn sử dụng.

“Khi đã hết hạn sử dụng thì chắc chắn bỏ đi mà không tiếc vì đó là khuyến cáo của nhà sản xuất. Nếu quá hạn sử dụng mà vẫn ăn thì sẽ tiềm ẩn bệnh tật, ung thư, nhiều bệnh khác mà người ta bảo là bệnh từ miệng. Để giữ sức khỏe cho mình và gia đình không nên tiếc sản phẩm đã quá hạn sử dụng” – Anh Tuấn ở Hà Nội khẳng định.

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, mỗi năm thế giới bỏ phí khoảng 17% lượng thực phẩm sản xuất ra. Ở Mỹ, thống kê cho thấy 37% chất thải thực phẩm đến từ nhà dân, những người tiêu dùng. 20% trong số những người được hỏi cho rằng sẽ loại bỏ những thực phẩm mặc dù người ta chưa biết rõ chính xác về hạn sử dụng trên thực phẩm và phần lớn 60-70% người dân cho rằng vứt bỏ thực phẩm đó đi vì đã hết hạn sử dụng.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là người tiêu dùng đã hiểu không chính xác về thời hạn sử dụng ghi trên nhãn mác, bao bì thực phẩm.

BS Nguyễn Hoài Thu – Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng cho trẻ em và người lớn VIAM Clinic thuộc Viện Y học ứng dụng VN cho biết, ở nước ngoài, những quy định về hạn sử dụng có nhiều cụm từ như “use by date” có nghĩa thực phẩm đó nên sử dụng đến ngày ghi trên nhãn của thực phẩm. Thế nhưng có những thực phẩm người ta ghi “best by date” nghĩa là sử dụng tốt nhất trước ngày đó. Tức là sau ngày ghi trên nhãn đó bạn vẫn có thể sử dụng được, độ tươi ngon của thực phẩm có thể giảm đi đôi chút nhưng về vấn đề an toàn thì vẫn có thể sử dụng được.

Còn ở Việt Nam, năm 2010, những quy định về ghi nhãn sản phẩm cũng tương đồng trên thế giới và đang áp dụng với từng loại thực phẩm nhất định. Tuy nhiên thường nhà sản xuất sẽ ghi chung chung là hạn sử dụng chứ không ghi rõ là sử dụng đến ngày, sử dụng trước ngày hay sử dụng tốt nhất trước ngày nên người tiêu dùng đôi khi sẽ bị hiểu nhầm hạn sử dụng đó là ngày cuối cùng để an toàn.

Vì vậy, theo BS Nguyễn Hoài Thu, với những thực phẩm như đồ đóng hộp, chúng ta bảo quản kín, hộp không bị bóp méo và môi trường bảo quản tốt thì sản phẩm đồ hộp có thể bảo quản được 18 tháng, hoặc có sản phẩm đồ hộp bảo quản được đến 5 năm, tất nhiên còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác và cần quy định rõ ràng hơn về ghi nhãn thực phẩm trên các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam.

“Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chính xác đến hạn sử dụng trên sản phẩm thì thực phẩm đó có còn sử dụng được hay không nhưng có điều kiện tiên quyết ở Mỹ và Việt Nam đều quy định sữa công thức dành cho trẻ nhỏ là thực phẩm ưu tiên hàng đầu sẽ ghi hạn sử dụng, tức là ngày cuối cùng sử dụng thực phẩm này được ghi trên nhãn, sau ngày đó, chất lượng của sữa sẽ bị ảnh hưởng, độ an toàn giảm và không dùng cho trẻ sau ngày ghi trên nhãn mác.

Còn đối với thực phẩm khác, nếu chúng ta vẫn duy trì, bảo quản theo hướng dẫn của nhà sản xuất, ví dụ như sản phẩm muối chua, hoặc là ngâm đường, ngâm muối thì thời hạn sử dụng của nó sẽ lâu hơn. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý tới các yếu tố như nhiệt độ, môi trường, không gian và thời tiết hoặc bao bì của sản phẩm, mỹ quan của sản phẩm đó, mùi có gì bất thường không để lựa chọn có nên sử dụng tiếp sau ngày ghi trên nhãn của thực phẩm đó hay không” - BS Nguyễn Hoài Thu cho biết.

Những sản phẩm sau khi đã mở nắp, bao gói thì tốt nhất nên dùng hết ngay, nếu còn để lại thì nên đóng kín, bảo quản trong tủ lạnh và sử dụng trong vòng 24 giờ đồng hồ. Bởi khi thực phẩm đã bóc bao gói tức là đã tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Ở nhiệt độ bình thường cũng như nhiệt độ trong tủ lạnh khoảng 0-4 độ C thì nguy cơ vẫn có sự xâm nhập của vi khuẩn trong môi trường, đặc biệt là khi nhiệt độ thời tiết càng cao thì nguy cơ xâm nhiễm của vi khuẩn vào các thực phẩm càng nhanh càng khiến thực phẩm dễ ôi thiu, bị hỏng.