Những em bé được hồi sinh nhờ kỹ thuật ghép gan

Mỗi ngày, căn nhà nhỏ của chị Lê Thị Thu Thảo ở tỉnh Bình Phước lại rộn rã tiếng cười, tiếng nói bập bẹ gọi mẹ, gọi ba của bé Bảo Anh. Nhìn ngắm con tập đi, tập nói, chị Thảo cảm thấy vô cùng hạnh phúc, tưởng như trong giấc mơ. Bởi trước đây, đã có lúc chị tưởng không níu giữ được con vì bé đã bị suy gan giai đoạn cuối do bệnh lý teo đường mật bẩm sinh.

Tháng 10 năm ngoái, bé Bảo Anh có chỉ định ghép gan tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Khi đó, bé đã bị suy gan giai đoạn cuối, cơ thể suy kiệt, 20 tháng tuổi mà chỉ nặng có 7,5kg. Song do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều y bác sĩ cũng nhiễm bệnh nên ca ghép phải hoãn lại. Suốt thời gian chờ đợi, bé Bảo Anh bị xuất huyết tiêu hóa nhiều lần. Những ngày tháng đó, chị Thảo như người đứng bên mép vực thẳm, sợ rằng con không chờ được.

Tuy nhiên, em bé đã kiên cường chống chọi để được ghép gan từ người cho là cha ruột. Ngày ca đại phẫu diễn ra, chị Thảo ngồi bên ngoài phòng mổ, hơn 12 tiếng hầu như không ăn uống gì, chỉ cầu mong mọi việc suôn sẻ. Ca ghép gan thành công, sau 1 tháng bé Bảo Anh được xuất viện trong niềm vui mừng khôn xiết của gia đình chị Thảo và các y bác sĩ.

Tháng 6 năm ngoái, giữa thời điểm dịch Covid-19 đang trong giai đoạn căng thẳng, bé Lê Phạm Hoàng Khải, ở Đà Nẵng cũng đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương ghép gan thành công. Bé được phát hiện mắc teo đường mật bẩm sinh lúc 2 tháng tuổi. Dù đã được phẫu thuật theo phương pháp Kasai để mở thông nối ruột với tĩnh mạch cửa gan song chỉ đạt hiệu quả trong khoảng 2 năm. Cách đây 3 năm, bé Hoàng Khải được chỉ định ghép gan nhưng phải đến năm ngoái, ca ghép mới có thể tiến hành. Suốt mấy năm qua, thường xuyên đưa con đi bệnh viện cấp cứu vì bé liên tục bị xuất huyết tiêu hóa, có lúc vợ chồng anh Lê Văn Tấn Pháp cũng tưởng như con không thể kéo dài sự sống. Nhưng điều kỳ diệu đã diễn ra, cậu bé đã được hồi sinh sau ca ghép gan.

Bác sĩ Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ quy trình ghép gan

Năm 2004, ca ghép gan cho trẻ em đầu tiên được thực hiện tại nước ta. Từ đó đến nay, các thầy thuốc Việt Nam đã nỗ lực không ngừng, làm chủ hoàn toàn quy trình ghép gan, mở ra nhiều hi vọng cho các gia đình có con mắc bệnh lý xơ gan, suy gan, ung thư gan giai đoạn cuối.

PGS.TS Phạm Duy Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tính đến nay, Bệnh viện đã thực hiện thành công 31 ca ghép gan cho các bệnh nhi. Trong đó đã thực hiện các ca ghép gan đòi hỏi kỹ thuật khó, bệnh lý phức tạp như bất đồng nhóm máu, ghép gan cho trẻ ung thư gan, bệnh lý di truyền, đặc biệt là ghép gan được cho bệnh nhi có cân nặng thấp.

Bệnh viện Nhi đồng 2, TP. Hồ Chí Minh cũng là một địa chỉ ghép gan cho trẻ em ở khu vực phía Nam. Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 – ghép gan trẻ em đòi hỏi khắt khe về trình độ chuyên môn lẫn kỹ thuật. Trước đây, mỗi ca ghép gan luôn có đoàn chuyên gia của Vương quốc Bỉ trực tiếp hỗ trợ nhưng từ năm ngoái đến nay, các bác sĩ của bệnh viện đã chủ động, tự thực hiện được các ca ghép gan cho bệnh nhi. “Tính đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã ghép được 22 ca, đặc biệt 6 ca gần đây hoàn toàn do các y bác sĩ của bệnh viện tự thực hiện. Chúng tôi rất vui mừng khi cứu sống các bé suy gan giai đoạn cuối, làm chủ được kỹ thuật phức tạp, chuyên sâu.” - TS.BS Phạm Ngọc Thạch chia sẻ.

Gần đây, BV Nhi đồng 2 cũng đã ghép gan thành công cho một bệnh nhi 9 tháng tuổi, cân nặng chỉ có 10kg, bị suy gan giai đoạn cuối. Đây là trường hợp trẻ nhỏ tuổi và nhẹ cân nhất được ghép gan tại bệnh viện.

“Với những em bé còn quá nhỏ như thế này, ngay cả các thầy thuốc ở trung tâm ghép gan trên thế cũng rất đắn đo. Bởi vì mạch máu bệnh nhi rất nhỏ, quá trình ghép đòi hỏi sự khéo léo, nếu không sẽ gây tắc mạch và có thể thất bại. Việc nối mật ruột giữa người cho và người nhận cũng rất phức tạp, bởi vì người cho là người lớn trong khi đường mật ruột của em bé cũng rất nhỏ cho nên đòi hỏi kỹ năng lâm sàng hết sức chuẩn mực và độ chính xác rất cao.” TS.BS Phạm Ngọc Thạch cho biết thêm về mức độ khó của ca phẫu thuật này.

TS.BS Phạm Ngọc Thạch cũng cho biết, danh sách các em bé chờ ghép gan còn rất dài. Để níu giữ sự sống cho nhiều bệnh nhi hơn nữa, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ khẩn trương hơn, tăng tốc thực hiện nhiều ca ghép gan hơn trong thời gian tới. Dự kiến, mỗi tháng bệnh viện sẽ tiến hành ghép từ 2 - 3 ca và triển khai ghép gan từ người cho chết não, giúp các bệnh nhi không phải chờ đợi quá lâu.