Mới đây trên mạng xã hội đang lan truyền câu chuyện của một mẹ bầu mang thai tuần thứ 29 vẫn tham gia một giải chạy marathon dài 5km. Không ít người cho rằng, hành động này rất nguy hiểm vì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
Theo các chuyên gia y tế, hoạt động thể chất đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mọi người, trong đó có cả phụ nữ mang thai. Việc duy trì cân bằng giữa hoạt động tinh thần và thể chất không chỉ giúp thai phụ khỏe mạnh trong suốt thai kỳ mà còn hỗ trợ quá trình phục hồi sau sinh. Việc thiếu hoạt động thể chất trong suốt 9 tháng thai kỳ và 2 năm nuôi con nhỏ có thể khiến sức khỏe của phụ nữ suy giảm đáng kể. Tuy nhiên, việc vận động đúng cách, khoa học và phù hợp với sức khỏe luôn là mục tiêu hàng đầu đối với các mẹ bầu.
Theo BS Tạ Việt Cường, PGĐ Trung tâm khám, điều trị sản phụ khoa và chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (cơ sở 2): Đối với những thai phụ đã có thói quen vận động từ trước, có nhiều môn thể thao có thể tiếp tục tập luyện, miễn là các môn đó không gây tác động mạnh đến vùng bụng. Bơi lội là một lựa chọn tuyệt vời vì nước nâng đỡ cơ thể, giảm áp lực lên thai nhi và hạn chế nguy cơ dọa sẩy thai hay đẻ non. Yoga và tập gym cũng là những lựa chọn phù hợp nếu thai phụ đã có kinh nghiệm trước đó".
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không nên bắt đầu một môn thể thao mới khi đang mang thai. Việc này có thể gây khó khăn và tác động không mong muốn đến cơ thể. Thay vào đó, nên tập trung vào các hoạt động đã quen thuộc. Tần suất và cường độ tập luyện nên được điều chỉnh tùy theo thể trạng và thói quen của mỗi người. Những thai phụ vốn là vận động viên có thể duy trì chế độ tập luyện thường xuyên hơn, trong khi những người chưa có thói quen vận động nên bắt đầu từ từ và lắng nghe cơ thể.
Khi tập luyện, thai phụ cần chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo như đau bụng vùng hạ vị, đặc biệt khi tử cung có dấu hiệu co cứng, hoặc hiện tượng ra máu hay ra nước. Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu nào trong số này, cần dừng ngay hoạt động và nghỉ ngơi.
"Trong thai kỳ, việc phân biệt giữa cơn đau bình thường và dấu hiệu nguy hiểm là rất quan trọng. Đau do vận động thông thường thường không kèm theo hiện tượng tử cung co cứng. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy bụng mình cứng lên, tử cung có hiện tượng co thắt, và bạn có thể cảm nhận được sự co cứng này trên bụng, đây là dấu hiệu cần chú ý. Ban đầu, các cơn co thắt có thể xuất hiện mà không gây đau, nhưng nếu chúng bắt đầu gây đau và tần suất co cứng tăng lên, bạn cần dừng ngay mọi hoạt động và nghỉ ngơi. Nếu cơn đau không giảm hoặc có dấu hiệu bất thường khác, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn kịp thời" - BS Cường nhấn mạnh.
Đối với các môn thể thao mạo hiểm như chạy marathon, bác sĩ Tạ Việt Cường khuyến cáo nên tránh tham gia khi đang mang thai. Nếu vẫn muốn tham gia, cần đánh giá kỹ lưỡng tiền sử, nguy cơ và tuổi thai, đồng thời không nên đặt nặng vấn đề thành tích.
Thai phụ có nguy cơ dọa sảy thai, dọa đẻ non hoặc mắc các bệnh lý nội khoa như tim mạch, phổi, huyết áp cần đặc biệt thận trọng. Trong những trường hợp này, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có chế độ vận động phù hợp.
Bác sĩ Tạ Việt Cường cũng khuyến cáo thai phụ nên duy trì hoạt động thể chất nhẹ nhàng trong thai kỳ, tránh các hoạt động gắng sức hoặc có nguy cơ cao. Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu hoặc tiếp tục chương trình tập luyện, và ngừng ngay hoạt động nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
Cuối cùng, cần nhớ rằng mỗi thai phụ có thể trạng khác nhau, vì vậy phải có kế hoạch tập luyện phù hợp với cá nhân. Hoạt động thể chất đúng cách không chỉ giúp duy trì sức khỏe trong suốt thai kỳ mà còn hỗ trợ quá trình sinh nở và phục hồi sau sinh hiệu quả hơn.