Việt Nam đã cán mốc 100 triệu dân, thuộc vào nhóm 15 quốc gia có dân số đông nhất thế giới, đứng thứ 8 châu Á và thứ 3 khu vực Đông Nam Á.

Điều này dẫn đến việc cần nâng cao chất lượng dân số để đáp ứng trình độ phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, việc tham gia tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn là bước dự phòng cấp một trong việc nâng cao chất lượng dân số và là "chìa khóa vàng" để mở ra cánh cửa hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, đất nước.

Đây là lý do Bộ Y tế chọn nội dung "Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước" là chủ đề của Tháng hành động Quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26/12).

Việc tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân được coi là hình thức sàng lọc đầu tiên vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số. Ước tính mỗi năm, Việt Nam có 22.000-30.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh. Trong số các dị tật có các bệnh phổ biến: Down, hội chứng Edwards, dị tật ống thần kinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, tan máu bẩm sinh thể nặng và các bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân là một việc làm mang lại lợi ích lớn không chỉ về sức khỏe sinh sản nói riêng, còn cả thể chất lẫn tinh thần cho cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng tương lai. Đây là những việc rất cần thiết, để giúp phòng ngừa, phát hiện, điều trị sớm nhiều căn bệnh di truyền, nguy hiểm, tránh được các hệ lụy không đáng có trong cuộc sống vợ chồng và tương lai con cái sau này. Khi đến với các chuyên gia, các bạn trẻ sẽ được kiểm tra, đánh giá sức khỏe tổng quát. Điều này chuẩn bị cho các bạn một thể trạng tốt nhất trước khi làm bố, làm mẹ. Nếu như các bạn gặp vấn đề về sức khỏe cũng có thời gian để điều trị đảm bảo có một thể trạng tốt nhất để chuẩn bị đón em bé chào đời.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều thanh niên chưa thực sự quan tâm đến việc khám sức khỏe trước khi kết hôn bởi họ chưa thực sự thấy và hiểu những giá trị việc này.

"Theo số liệu chúng tôi ghi nhận từ các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của thành phố cho thấy trung bình hành năm có khoảng hơn 6.000 cặp nam nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn được tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn và 100% việc khám sức khỏe trước khi kết hôn đều do người dân tự tham gia chi trả. Tuy nhiên đây vẫn là những số liệu khá khiêm tốn, số liệu này chỉ chiếm từ khoảng 15-20% so với các cặp ra đăng ký kết hôn hàng năm tại thành phố", ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố Hồ Chí Minh thông tin.

Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đặt mục tiêu: 90% tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn. Để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên trên cả nước, ngành Dân số tiếp tục chú trọng vào giải pháp, nhiệm vụ truyền thông. Ngoài ra cần sự vào cuộc mạnh mẽ, thực chất của ngành Giáo dục, Đoàn Thanh niên với ngành Y tế, Dân số.

Báo động mức sinh ở Việt Nam

Tại Hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, ông Mai Trung Sơn, Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết giảm sinh là xu hướng toàn cầu nhưng Việt Nam “nhanh hơn thế giới” và ngày càng rõ nét. Nếu những năm trước, phụ nữ thành thị sinh hơn 1,7 con, hai năm gần đây, mức sinh xuống thấp dưới 1,7. Ở nông thôn, mức sinh năm 2023 ước tính cũng xuống dưới mức sinh thay thế, trong khi vài năm trước, con số này tiệm cận mức 2,4.

Tình trạng báo động nhất là vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, mức sinh tiếp tục xuống sâu (khoảng 1,5 con/phụ nữ). Cả nước hiện chỉ còn vùng Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ mức sinh còn cao.

Theo vị chuyên gia, mức sinh không phải là câu chuyện “đẻ ít đẻ nhiều” mà việc tái sản xuất dân số còn ảnh hưởng đến sự tồn vong của dân tộc.

Về lâu dài, mức sinh thấp làm suy giảm nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Mức sinh thấp hôm nay sẽ trở thành gánh nặng trách nhiệm cho thế hệ những đứa trẻ là "con một" trong tương lai, khi phải gánh vác an sinh cho một xã hội già, siêu già, đồng nghĩa thiếu hụt nguồn lao động.