Bệnh viện công chuyển mình để hút người bệnh

2 lần sinh mổ tại BV Phụ sản Trung ương, chị Nguyễn Thị Yên (ở Bắc Giang) đặt niềm tin hoàn toàn vào trình độ chuyên môn của các bác sỹ chuyên khoa đầu ngành. Với chị, những thay đổi nhỏ của bệnh viện cũng đã để lại ấn tượng chẳng hạn như khu vực nhà vệ sinh sạch sẽ, thái độ nhân viên y tế thân thiện.

“Không thấy có ấn tượng nào về thái độ không tốt của y tá, cho con bú sữa, ăn sữa... phụ sản chỉ việc nghỉ ngơi thôi”, chị Yên chia sẻ.

BV Bạch Mai tất cả các khoa phòng, khu khám điều trị tự nguyện đều rất đông, sự chờ đợi là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, bằng cách đặt các ghế chờ, tăng hiệu suất quạt, điều hòa, bố trí ô tránh nắng ngoài trời... bệnh viện đã nỗ lực để giảm bớt sự căng thẳng này.

Một cơ sở y tế tuyến đầu với 8 nghìn lượt bệnh nhân đến khám mỗi ngày, bệnh viện Bạch Mai đã cải tiến quy trình, kéo dài thời gian khám, tăng cường máy móc thiết bị. TS.BS Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: ngoài nhiệm vụ thường xuyên là nâng cao kỹ thuật chuyên môn thì đây là cách để cải thiện dịch vụ để người bệnh hài lòng.

“Bệnh viện cải tiến quy trình khám chữa bệnh bảo đảm hợp lý, đơn giản, thuận tiện, tránh phiền hà cho bệnh nhân. Sắp xếp tổ chức quy trình tiếp đón, khám bệnh, làm xét nghiệm… đảm bảo giải quyết hết số lượng bệnh nhân đến khám trong ngày. Bệnh viện cũng xây dựng, cải tạo mở rộng thêm các phòng khám”, TS.BS Lan Anh thông tin thêm

Trước đây, đâu đó vẫn có sự phàn nàn về thái độ nặng nhẹ của y tá, bác sỹ, chuyện phải dúi tiền cho y tá để tiêm bớt đau, hay phong bì “cảm ơn” bác sỹ sau những lần điều trị. Thế nhưng, những ngày nằm viện tại BV Thanh Nhàn, ông Nguyễn Thế Lương (ở Hai Bà Trưng, HN) đã nhận ra sự thay đổi theo hướng tích cực.

“Tôi thấy thay đổi lớn nhất là thái độ phục vụ. Tôi hài lòng, chứ như trước đây bệnh nhân phải sợ bác sỹ”, ông Lương nói.

Thiếu cơ chế để bệnh viện công cạnh tranh vì người bệnh

Chính sách thông tuyến bảo hiểm y tế từ tuyến cơ sở đến tuyến tỉnh cho phép người bệnh có thể lựa chọn cơ sở KCB phù hợp. Đây là áp lực không nhỏ để các bệnh viện buộc phải nâng cao chất lượng nhằm thu hút người bệnh. Bên cạnh đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 cũng tiếp tục khẳng định cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công. Trong đó, cho phép bệnh viện công được sử dụng nguồn thu để đầu tư, phát triển bệnh viện. Và điều này cũng tạo ra thế “cạnh tranh” buộc các bệnh viện công phải thay đổi để giữ chân người bệnh.

Ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia về chính sách công, cho rằng xu hướng cạnh tranh của các bệnh viện công hiện nay là đáng khuyến khích, để giúp các bệnh viện công có thêm nguồn thu, tăng thêm thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức và đồng thời tạo ra một động lực để có chất lượng phục vụ người bệnh tốt hơn trong bối cảnh chất lượng dịch vụ nhiều nơi còn tương đối hạn chế.

Theo ông Đồng, các bệnh viện công hiện nay cần đầu tư cho các hệ thống công nghệ thông tin, chuyển đổi số để phục vụ người bệnh tốt hơn.

“Khi mà được quản lý tốt thì nghĩa rằng là quy trình vận hành cũng như là hệ thống dịch vụ trong bệnh viện được tổ chức tốt thì đấy cũng là một sự đóng góp rất lớn để nâng cao chất lượng về dịch vụ của các bệnh viện công để đáp ứng nhu cầu của người bệnh”, ông Nguyễn Quang Đồng phân tích.

Trong giai đoạn dịch Covid-19, các bệnh viện công gặp rất nhiều khó khăn, áp lực công việc lớn, thu nhập thấp dẫn đến nhiều bác sĩ, nhiều lao động trong bệnh viện công đã bỏ việc để chuyển sang bệnh viện tư. Ngoài ra, vấn đề về đấu thầu thuốc tạo ra rủi ro rất lớn trong việc mua sắm dẫn đến là các bệnh viện thiếu nguồn lực về vật tư y tế.

Theo nhận định của ông Nguyễn Quang Đồng, 2 năm vừa qua, Bộ Y tế cũng đã rất nỗ lực để giải quyết, tuy nhiên cần phải tăng tốc quá trình, cải tiến thủ tục để đảm bảo an toàn cho những người làm việc trong khu vực bệnh viện công.

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng, các thủ tục đầu tư công hiện nay nhiều khi làm lỡ mất cơ hội canh tranh của các bệnh viện.

“Thủ tục Nhà nước đầu tư công cho các bệnh viện rất khó khăn. Quá trình phê duyệt kéo dài, thủ tục phức tạp, không cấp đúng tiến độ. Có những bệnh viện người ta nói là 12 tỉ đồng máy móc thiết bị nằm suốt 2 năm không, phải chờ thủ tục thì đây là những thủ tục hành chính là không đăng không đáng có”, ông Lợi nói.

Nếu đặt mục tiêu nâng cao chất lượng điều trị, phục vụ người bệnh, thì rõ ràng xu hướng cạnh tranh của các bệnh viện công là cần khuyến khích. Tuy nhiên, cơ chế tự chủ một phần đang ràng buộc các bệnh viện chưa thể tự quyết về giá dịch vụ, BHYT hiện cũng chưa tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế khiến cho nguồn thu bệnh viện nhiều lúc duy trì hoạt động còn khó khăn, chứ chưa nói đến tích lũy để tái đầu tư và phát triển.

Có thể nói, còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết để nâng cao nội lực giúp các bệnh viện công có cơ hội cạnh tranh.

Xin mời nghe âm thanh: