Hàng loạt khó khăn liên quan đến giá dịch vụ kỹ thuật y tế ở các bệnh viện công quá thấp khiến nhiều bệnh viện không đảm bảo được về tài chính là vấn đề được nêu ra từ nhiều năm nay. Bệnh viện Bạch Mai là một đơn vị điển hình.“Từ năm 2020 - 2023 và toàn bộ giá kỹ thuật của bệnh viện Bạch Mai đưa về giá của bảo hiểm y tế bởi vì những hợp đồng liên doanh liên kết hết hạn rồi. Nếu như đúng như giá của bảo hiểm y tế thì chúng ta chưa tính đúng tính đủ mà mới tính 4/7 yếu tố cấu thành giá kỹ thuật. Do vậy đây là khó khăn cho bệnh viện về tài chính”. PGS.TS Đào Xuân Cơ – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng từng cho biết, theo khung giá hiện hành, một ca khám BHYT chỉ được chi trả dưới 40 nghìn đồng, thấp so với mặt bằng giá chung và không đủ giữ chân nhân lực y tế. Ông cùng nhiều nhà quản lý ở các bệnh viện công đều cho rằng, từ năm 2015 (thời điểm thông tư 37 quy định mức tiền lương kết cấu vào giá dịch vụ ra đời) đến nay, mức lương cơ sở đã 4 lần được điều chỉnh theo hướng tăng lên, nhưng giá dịch vụ y tế vẫn giữ nguyên, điều đó cho thấy viện phí BHYT đã lạc hậu như thế nào.

Sau 3 năm đối mặt với dịch Covid-19 và kể từ khi không còn cơ chế liên doanh, liên kết, không còn máy xã hội hóa, nguồn thu của các BV chủ yếu từ BHYT, từ đây những bất cập về giá thu các dịch vụ y tế ngày càng lộ rõ. Nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng thu không đủ chi, nhiều nhân viên y tế rời bệnh viện công sang tư – nơi mọi cơ chế đều thông thoáng hơn.

Để tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện công, hiện Bộ Y tế đang triển khai xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật dịch vụ khám chữa bệnh. Đây sẽ là cơ sở để điều chỉnh giá các dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ.

TS Vương Ánh Dương – Phó Cục Trưởng Cục Quản lý KCB Bộ Y tế cho biết, hiện nay giá viện phí mới bao gồm lương, chi phí trực tiếp để thực hiện kỹ thuật và chi phí bảo dưỡng đối với thiết bị nhà cửa, chưa có chi phí để BV đầu tư cơ sở hạ tầng, chi phí quản lý điều hành các dịch vụ hỗ trợ như công nghệ thông tin, kiểm soát nhiễm khuẩn và chi phí điều hành của lãnh đạo bệnh viện... Việc xây dựng định mức kỹ thuật lần này sẽ làm căn cứ tính giá đầu vào để thực hiện những yếu tố đó.

Về danh mục dịch vụ, hiện chúng ta đang có hơn 18 nghìn dịch vụ kỹ thuật, tuy nhiên trong số này có nhiều dịch vụ cùng chung 1 kỹ thuật nhưng được đặt ở các vị trí khác nhau dẫn đến bị trùng. TS Vương Ánh Dương cho biết, trong hơn 3 năm qua, Bộ Y tế đã rất nỗ lực rà soát để thu gọn danh mục kỹ thuật hiện có trên tiêu chí vừa cập nhật các kỹ thuật mới vừa không để bị trùng lặp.

“Từ 18 nghìn dịch vụ làm sao thu gọn lại thành 9 nghìn dịch vụ mà không bị trùng lặp là công việc cực kỳ khó khăn, tuy nhiên đến thời điểm này việc đó đã xong và đạt được sự đồng thuận của các bệnh viện” - TS Vương Ánh Dương thông tin.

Cùng với hoàn thiện danh mục dịch vụ kỹ thuật, Bộ Y tế cũng đã xây dựng thông tư làm căn cứ pháp lý để xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho gần 10 nghìn kỹ thuật y tế, làm căn cứ tính đúng, tính đủ giá KCB BHYT... Đây cũng là công việc hết sức khó khăn do từ trước tới nay chưa có văn bản nào hướng dẫn về định mức kỹ thuật của ngành Y.

Hiện nay Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã giao cho 20-30 bệnh viện xây dựng một định mức kỹ thuật, trong đó Bệnh viện Bạch Mai được giao làm đầu mối xây dựng hơn 3.000 dịch vụ kỹ thuật, Bệnh viện Việt Đức với hơn 2.000.

Định mức kinh tế kỹ thuật KCB sẽ được Bộ Y tế hoàn thiện trong quý 3 để trình các cấp xem xét, dự kiến được áp dụng từ năm 2024 khi Luật KCB sửa đổi chính thức có hiệu lực.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, khi giá viện phí được tính đúng, tính đủ, bệnh viện sẽ có nguồn lực để đầu tư trang thiết bị, cở sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ KCB, người bệnh sẽ được BHYT thanh toán toàn bộ, thay vì phải tự thanh toán giá khấu hao cơ sở hạ tầng và quản lý bệnh viện như hiện nay. Viện phí tính đúng, tính đủ "sẽ từng bước giảm chi từ tiền túi của người dân" - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khẳng định.