Theo số liệu của Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, nước ta hiện có hơn 7 triệu người mắc đái tháo đường – tăng gấp đôi so với 10 năm trước. Đáng chú ý, hơn 55% bệnh nhân trong số này đã có các biến chứng về tim mạch, mắt, hoặc biến chứng thần kinh, thận. Việc điều trị những bệnh đồng mắc trên nền bệnh nhân đái tháo đường không chỉ làm tăng chi phí y tế mà còn khiến tâm lý, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bị suy giảm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn rất chủ quan với căn bệnh này, không tầm soát, phát hiện sớm và không uống thuốc, tái khám theo chỉ định của bác sĩ.
Bà Đào Thị Điều, 70 tuổi ở phường Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh mắc đái tháo đường đã hơn 20 năm, nhưng chỉ 4 năm trở lại đây bà mới uống thuốc đều theo đơn của bác sĩ. Hiện nay do không kiểm soát được đường máu bằng thuốc uống nên bà đã phải chuyển sang điều trị bằng tiêm insulin mỗi ngày. Nhưng 2 tuần trước bà thường xuyên bị mệt, run chân tay, da sạm, được người nhà đưa đến khám tại Bệnh viện nội tiết TW và phải nhập viện để điều trị.
Bác sĩ nội trú Trần Mai Nguyên, Khoa Đái tháo đường cho biết, khi vào viện chỉ số đường huyết của bà Điều rất cao và thường xuyên không ổn định. Đây là hậu quả của việc bệnh nhân không uống thuốc đều trong 1 thời gian dài, không đi tái khám, đặc biệt nữa là do bệnh nhân đã tiêm không đúng cách.
“Trong điều trị đái tháo đường có những loại insulin khác nhau, thời điểm tiêm khác nhau, nhưng bệnh nhân hoặc là nhớ chính xác chỉ định của bác sĩ nên tiêm sai cách, dẫn đến tình trạng tăng đường máu cấp tính. Khi bác vào viện chỉ số HbA1c rất cao (12,9%) dẫn đến việc bệnh nhân có nhiều cơn hạ đường huyết trong ngày”- theo bác sĩ Trần Mai Nguyên.
Song, không chỉ riêng bà Đào Thị Điều mà nhiều người mắc đái tháo đường vẫn xem nhẹ bệnh với suy nghĩ chỉ cần khám lần đầu, những lần sau không cần khám lại mà dùng luôn đơn thuốc cũ. Thậm chí, có những bệnh nhân như chị Lê Thị Tuyến ở Hải Phòng, dù 5 năm trước được bác sĩ chẩn đoán mắc đái tháo đường tuýp 2 nhưng chỉ “tự điều trị cho mình” bằng cách ăn kiêng chứ không uống thuốc. Vì tự điều trị theo cách này, mới đây chị Tuyến phải đi khám vì bị nhiễm trùng tiết niệu – biến chứng hay gặp ở người mắc đái tháo đường do không kiểm soát được đường huyết.
Theo bác sĩ Lâm Mỹ Hạnh Phó Khoa Đái tháo đường - BV nội tiết TW, đái tháo đường là bệnh lý mạn tính, không lây nhiễm. Khi bệnh không được kiểm soát, theo thời gian sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
“Hay gặp nhất là biến chứng về tim mạch, thần kinh, biến chứng về mạch máu hoặc thận, biến chứng nhiễm trùng… Khi bệnh nhân bị biến chứng cấp tính có thể nguy hiểm đến tính mạng, còn bị biến chứng mãn tính sẽ làm suy giảm chất lượng cuộc sống, việc điều trị khó khăn hơn, chi phí điều trị cũng tốn kém hơn…” - bác sĩ Lâm Mỹ Hạnh cho biết.
Trong khi đó, nếu được điều trị ngay ở giai đoạn tiền đái tháo đường sẽ mang lại những tín hiệu rất tích cực cho người bệnh. Tuy nhiên, đáng tiếc phần lớn bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 ở nước ta, tại thời điểm được chẩn đoán mắc bệnh đã có biến chứng rồi, vì vậy việc chẩn đoán sớm, điều trị đầy đủ là vô cùng quan trọng.
Hưởng ứng ngày thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11 năm nay, chương trình phòng chống đái tháo đường kêu gọi mọi người dân trong cộng đồng – đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ như người bị béo phì, tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường… hãy xét nghiệm để phát hiện bệnh và điều trị ngay ở giai đoạn tiền đái tháo đường, tránh để mắc các biến chứng nguy hiểm.
Nghe bài viết tại đây: