Bệnh lún xẹp đốt sống lưng thường xảy ra ở phụ nữ đến tuổi mạn kinh, tình trạng xương khớp bị thoái hóa. Nhưng theo TS.BS Nguyễn Hoàng Long – Phó Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, những năm gần đây, có nhiều nam giới cũng bị xẹp đốt sống lưng ở độ tuổi khá trẻ. Nguyên nhân chủ yếu là do người bệnh bị rối loạn nội tiết tố hoặc dùng thuốc có chứa corticoid kéo dài gây loãng xương.
Để chẩn đoán bệnh lún xẹp đốt sống lưng, các bác sĩ sẽ dựa vào kết quả khám lâm sàng của bệnh nhân như là đau ở thắt lưng hoặc đau dọc theo cột sống. Khi bác sĩ chạm vào vùng phía gai sau cột sống hoặc đấm nhẹ vào vùng cột sống, bệnh nhân có phản ứng đau, chụp cộng hưởng từ và phim X quang thấy hiện tượng phù nề thân đốt sống, đo mật độ xương thấy loãng xương.
Tùy theo tình hình của người bệnh sẽ có phương án điều trị khác nhau. Song, theo TS.BS Nguyễn Hoàng Long- Phó Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, hiện nay có 2 phương án điều trị chính. Phương án 1 là bệnh nhân điều trị nội khoa bằng cách uống thuốc giảm đau, giảm phù nề, chống loãng xương kết hợp với đeo áo nẹp cột sống. Với phương án này, thời gian điều trị của bệnh nhân sẽ kéo dài. Phương án thứ 2 cũng là phương án hiện đại nhất hiện nay được nhiều người lựa chọn, đó là bơm xi măng. Các bác sĩ sẽ đưa đầu kim có đường kính 20cm vào trong thân đốt sống bị xẹp, sau đó đổ xi măng vào trong đốt sống, phương pháp này giúp đốt sống vững hơn và bệnh nhân hết đau. Về lâu dài, phương pháp này giúp tránh nguy cơ tái phát xẹp đốt sống dẫn đến chèn ép tủy sống, gây nên triệu chứng chèn ép thần kinh. Ưu điểm vượt trội của phương pháp này là giảm đau cho bệnh nhân sau 30 phút thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân phục hồi nhanh, có thể đi lại nhẹ nhàng và sớm trở lại cuộc sống, sinh hoạt bình thường.
Tuy nhiên, theo TS.BS Nguyễn Hoàng Long – Phó Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, không ít bệnh nhân đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, gây di chứng nặng nề khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn rất nhiều. “Có những bệnh nhân tự ý điều trị, tự ý mua thuốc uống, dẫn đến tình trạng bệnh ngày càng nặng, không thể đi lại được, cuối cùng người nhà phải đưa đến bệnh viện bằng xe lăn. Không hiếm trường hợp bệnh nhân đắp lá không rõ nguồn gốc của các ông lang bà mế khiến cho toàn bộ vùng da bị cháy bỏng hoặc loét nặng. Trong trường hợp này, các bác sĩ không thể can thiệp phẫu thuật và nẹp bột để tránh nguy cơ nhiễm trùng. Bởi khi tình trạng nhiễm trùng từ nông đến sâu, thậm chí nhiễm trùng vào xương thì sẽ rất khó điều trị”.
BS Nguyễn Hoàng Long cảnh báo, người bệnh bị xẹp đốt sống lưng nếu điều muộn hoặc không điều trị sẽ dẫn đến di chứng gọi là gù đốt sống. Vì vậy, để tránh biến chứng, rút ngắn thời gian và giảm chi phí điều trị, khi có biểu hiện đau ở vùng thắt lưng hoặc dọc theo cột sống, đau lan trước ngực hoặc đau xuống phía dưới chân thì nên đi khám sớm.
Để phòng bệnh, ngay từ khi còn trẻ, chúng ta nên thay đổi lối sống, hạn chế uống rượu bia vì rượu, bia làm giảm mức hấp thu canxi, vitamin D, tăng tình trạng loãng xương. Ngoài ra, trong nhà cũng nên sắp xếp, bố trí đồ đạc giường tủ, bàn ghế ngăn nắp vì người bị loãng xương chỉ một va vấp nhẹ cũng có thể gây ra hiện tượng xẹp đốt sống. Nên áp dụng chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, thức ăn chứa nhiều vitamin D và canxi. Có thể bổ sung thuốc canxi nhưng phải được sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ. Tình trạng loãng xương hay gặp ở người béo phì, do vậy cần giảm cân về mức hợp lý, tập thể dục đều đặn, nâng cao sức khỏe.