Theo tiến sĩ, bác sĩ Lê Phong – Bệnh viện Đa khoa An Việt, bệnh gout là một loại viêm khớp do sự tích tụ của các tinh thể acid uric trong khớp. Thông thường, chỉ số acid uric trong cơ thể luôn ở mức hằng định. Tuy nhiên, trong dịp Tết, khi chúng ta nạp vào cơ thể quá nhiều thực phẩm giàu đạm như thịt đỏ, các loại hải sản, thực phẩm nhiều đường như bánh kẹo, nước ngọt, uống bia rượu… thì sẽ làm acid uric trong máu tăng cao. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới sự bùng phát bệnh guot cấp tính sau Tết.
Để tạm thời giảm cơn đau do cơn guot cấp tính gây ra, việc đầu tiên là người bệnh nên điều chỉnh chế độ ăn uống, ngừng sử dụng các loại thịt đỏ, các loại thực phẩm giàu đạm, không uống bia rượu và các loại nước ngọt có gas, thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh, bưởi, cũng như không nên ăn một số loại rau như nấm, đậu, rau mầm… Đồng thời, bệnh nhân có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau hoặc tiếp tục uống các thuốc điều trị gout đã được bác sĩ chuyên khoa kê trước đó.
“Gout là một bệnh mạn tính nó sẽ trở đi, trở lại và cho đến nay ở Việt Nam cũng như trên thế giới chưa có một loại thuốc nào có thể điều trị dứt điểm để khỏi bệnh. Nếu người bệnh không được điều trị sớm, điều trị kịp thời thì bệnh sẽ ngày càng tiến triển nặng hơn. Ở giai đoạn muộn, người bệnh có thể thấy sự xuất hiện của tophi mạn tính tại các khớp, gây biến dạng khớp. Khi những hạt tophi vỡ ra có thể gây nhiễm trùng, việc điều trị sẽ rất khó khăn. Đồng thời sự lắng đọng của acid uric tại thận cũng có thể gây ra tổn thương thận. Rối loạn chuyển hóa do gout cũng là nguy cơ dẫn đến các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp…” – BS Lê Phong nói.

Tuy bệnh gout không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng người bệnh vẫn có thể áp dụng nhiều biện pháp để dự phòng biến chứng và kiểm soát chỉ số acid uric trong máu, hạn chế các đợt cấp tái phái.
Sau Tết, dù không còn bị cơn đau cấp hành hạ, bệnh nhân guot vẫn nên đi khám tại các cơ sở y tế để được các bác sĩ hướng dẫn cụ thể về chế độ ăn uống, sinh hoạt và điều trị bằng thuốc cũng như theo dõi, tái khám.
“Hiện có rất nhiều loại thuốc giúp điều trị bệnh guot, rất rẻ và không gây độc đối với gan thận. Do đó, khi đã bị bệnh guot rồi, các bạn nên đi khám định kỳ, thường xuyên tại bệnh viện để làm xét nghiệm máu và dựa vào đó các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cũng như hướng dẫn chế độ ăn uống, tập luyện phù hợp với từng người. Bởi mỗi bệnh nhân là một cá thể khác nhau do đó cần phải xây dựng một kế hoạch điều trị khác nhau. Người bệnh cũng nên tuân thủ lịch tái khám, không nên cứ dùng mãi một đơn thuốc trong nhiều năm. Nhiều trường hợp bệnh nhân dùng thuốc một đợt thấy đỡ, không dùng thuốc nữa và không tái khám, khi quay trở lại với chúng tôi thì đã bị biến chứng nặng” – BS Lê Phong hướng dẫn.
Bác sĩ Lê Phong cũng khuyến cáo, bệnh nhân gout nói riêng và bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính nói chung không nên nghe theo quảng cáo trên mạng xã hội, tự ý mua thuốc nam, thuốc lá hoặc các sản phẩm không rõ nguồn gốc về sử dụng. Nhiều trường hợp đã bị suy tuyến thượng thận do lạm dụng corticiod hoặc uống thuốc nam trộn corticoid mua trên mạng, mua từ các thầy lang tự xưng, không có chứng chỉ hành nghề.
Mời các bạn nghe BS Lê Phong tư vấn tại đây: