Những món ăn có màu sắc rực rỡ luôn hấp dẫn và kích thích vị giác. Một miếng măng vàng óng hay que xiên đầy sắc màu có thể khiến người ta không thể chối từ. Nhưng liệu vẻ ngoài bắt mắt ấy có thực sự vô hại, hay đang che giấu những nguy cơ tiềm tàng đối với sức khỏe?
Bắt đầu từ 7h tối, dọc đoạn đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội, các quán bán xiên chiên lại tấp nập hoạt động. Những chiếc xe đẩy, một chảo dầu sôi sùng sục và vô số viên cá, bò, gà, tôm với đủ loại màu sắc được bày ra khiến khách hàng thoải mái lựa chọn. Một bạn sinh viên chia sẻ: “Xiên bẩn thì rất đa dạng, có nhiều loại vị lại hợp túi tiền nên bọn mình rất thích. Em thấy nó ngon với rẻ, chứ cũng không biết nó làm từ gì.”
Không chỉ giới trẻ, nhiều gia đình cũng chiều theo sở thích của con cái, đôi khi dừng lại bên vỉa hè để mua vài xiên que đầy màu sắc. Một phụ huynh bộc bạch: “Bọn trẻ con nhà mình cũng thích mấy cái xiên que này. Thỉnh thoảng ăn chắc không sao. Nhưng mình nghĩ những màu sắc sặc sỡ thế này chắc chắn là phẩm màu, chứ làm gì có con tôm nào màu cam như vậy”. Những thói quen này có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm tích tụ lâu dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Không chỉ dừng lại ở các món ăn vặt, câu chuyện phẩm màu công nghiệp còn len lỏi vào các thực phẩm quen thuộc khác. Chị Trần Thanh Thủy ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, đã phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn canh măng khô nấu với móng giò. Chị kể: “Mình mua măng quen ở chợ, ngâm rồi luộc kỹ nhưng sau khi ăn thì đau bụng, nôn ói cả đêm. Đi viện mới biết ngộ độc do măng có phẩm màu.” Trường hợp của chị Thủy không phải là duy nhất. Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, một gia đình ở Hà Nội đã nhập viện vì sử dụng bột phẩm màu đỏ tươi – loại bột mai quế lộ – để trộn thịt làm nem rán. Cả nhà gặp các triệu chứng tan máu, chóng mặt và buộc phải điều trị dài ngày.
Câu chuyện về phẩm màu công nghiệp không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn là vấn đề toàn cầu. Tại Mỹ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đang xem xét cấm các chất tạo màu nhân tạo như Red No. 3 và Red No. 40 – những chất đã được sử dụng trong hàng chục năm. Tại sao những chất này từng được phép sử dụng, giờ đây lại trở thành mối lo ngại?
PGS.TS Trần Thượng Quảng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và sức khỏe, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Red No. 3 hay còn gọi là Erythrosine (E127), một loại phẩm màu tổng hợp, đã bị cấm hoặc hạn chế sử dụng ở nhiều quốc gia vì nguy cơ gây hại đến sức khỏe, đặc biệt là ảnh hưởng đến tuyến giáp và nguy cơ ung thư khi tiêu thụ với liều cao. Tương tự, Red No. 40 hay còn gọi là Allura Red AC (E129) có thể gây dị ứng, phát ban, thậm chí ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi và sự phát triển của trẻ nhỏ. Các nghiên cứu cho thấy E129 có thể làm gia tăng các triệu chứng tăng động và khó tập trung. Liên minh Châu Âu đã yêu cầu dán nhãn cảnh báo trên các sản phẩm chứa phẩm màu này.
Phẩm màu nhân tạo như E127 và E129 thường có trong các sản phẩm quen thuộc như kẹo, bánh ngọt, đồ uống có gas, nước giải khát, kem, thực phẩm chế biến sẵn, xúc xích, thịt nguội, và cả đồ ăn vặt như xiên que hay bánh tráng trộn. Đặc biệt, các sản phẩm thủ công hoặc bày bán tự do thường sử dụng phẩm màu công nghiệp giá rẻ, không rõ nguồn gốc, dễ gây ngộ độc nếu tiêu thụ thường xuyên.
Theo PGS.TS Trần Thượng Quảng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và sức khỏe, ĐH Bách khoa Hà Nội: đề xuất cấm hai loại phẩm màu này của FDA không chỉ là một động thái kỹ thuật, mà còn truyền tải một thông điệp đó là: các chất được coi là an toàn trong quá khứ vẫn cần được giám sát và đánh giá liên tục khi xuất hiện bằng chứng mới.
Câu chuyện của FDA không phải là hiện tượng đơn lẻ. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang có những bước đi cứng rắn với các phẩm màu nhân tạo:
Liên minh Châu Âu (EU): Yêu cầu các sản phẩm chứa phẩm màu nhân tạo như E129 (Allura Red AC) phải dán nhãn cảnh báo, đặc biệt với trẻ em. Một số loại phẩm màu đã bị cấm hoàn toàn trong thực phẩm.
Anh: Năm 2007, Chính phủ Anh đã khuyến khích các nhà sản xuất thực phẩm loại bỏ phẩm màu nhân tạo, sau khi nghiên cứu cho thấy tác động của chúng đến hành vi trẻ em.
Canada và Nhật Bản: Đã hạn chế sử dụng Red No. 3 và các phẩm màu tương tự trong thực phẩm tiêu dùng.
Để bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng cần cẩn trọng trong việc lựa chọn thực phẩm. Trước hết, hãy ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Tránh mua những thực phẩm có màu sắc quá đậm, không tự nhiên. Đọc kỹ nhãn mác để kiểm tra thành phần, tránh các sản phẩm chứa phẩm màu nhân tạo như E127 hoặc E129.
Ngoài ra, để hạn chế rủi ro, người tiêu dùng nên thay thế thực phẩm chứa phẩm màu bằng các món ăn tự chế biến từ nguyên liệu tươi. Sử dụng phẩm màu tự nhiên từ rau củ như gấc, nghệ, củ dền, hoặc lá cẩm để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Màu sắc trên thực phẩm không chỉ là yếu tố thẩm mỹ mà còn phản ánh mức độ an toàn của sản phẩm. Đừng để sự hấp dẫn nhất thời dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.