Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định, thẩm quyền cấp Giấy phép hành nghề giao Hội đồng y khoa quốc gia cấp, có con dấu riêng, tự chủ tài chính như một cơ quan quản lý nhà nước. Bàn về tính khả thi cũng như những tác động của việc phát sinh bộ máy biên chế, con người là nội dung đầu tiên trong loạt bài do phóng viên VOV2 thực hiện liên quan đến Dự thảo lần này.
Kỳ 1: Ai thẩm định chứng chỉ hành nghề y?
Thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có hơn 80.000 bác sỹ đang làm việc. Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ này. Tuy nhiên, tình trạng "trăm hoa đua nở" trong tuyển sinh giảng dạy đã tạo một khoảng cách về chất lượng giữa các trường y dược.
Ở nước ta từ trước đến nay, chỉ cần học xong và thực tập 18 tháng là được cấp Chứng chỉ hành nghề y. Đặc biệt, chứng chỉ này có hiệu lực suốt đời. Điều này gây khó khăn trong giám sát chất lượng, chuẩn hóa chuyên môn nhất là với công việc đặc thù liên quan tới sức khoẻ con người. Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, (đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội), nguyên Viện trưởng Viện huyết học và Truyền máu Trung ương, việc thi cấp chứng chỉ hành nghề là việc làm cần thiết, bởi lẽ các loại bằng cấp như: đại học, thạc sĩ, tiến sĩ...mới chỉ là điều kiện cần khẳng định trình độ chuyên môn của cán bộ y tế, còn điều kiện đủ để được quyền hành nghề thì cần thiết phải trải qua kỳ sát hạch khác – kỳ thi cấp giấy phép hành nghề.
"Lâu nay mình đánh đồng người học xong ra trường thì đương nhiên được khám chữa bệnh, cái đó không đúng, nó chỉ đúng trong trường hợp chiến tranh, còn bây giờ hội nhập thì phải làm khác. Quyền được khám chữa bệnh thì phải bổ sung thêm những khía cạnh khác không chỉ là kiến thức, đó là sự am hiểu về luật lệ, sự tuân thủ về chính sách, rồi đạo đức, tư cách... tất cả những cái đó thuộc về quyền được khám chữa bệnh" - đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đang trình Quốc hội lần này, Bộ Y tế quyết tâm sàng lọc, nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh thông qua việc chuẩn hóa chứng chỉ hành nghề. Về thẩm quyền cấp Giấy phép hành nghề, Dự thảo Luật đề xuất trao quyền cho Hội đồng y khoa.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nhận định, giao Hội đồng Y khoa vừa đánh giá năng lực, vừa cấp giấy phép hành nghề dễ dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, do đó nên có cơ quan độc lập cấp phép.
"Tôi cho rằng cần cân nhắc, xem xét quy định này và thí điểm giao cho cơ quan độc lập cấp giấp phép, chứng chỉ hành nghề từ 1/1/2030. Nhưng tôi cũng chưa thấy từ khi luật có hiệu lực đến năm 2030 thì cấp giấp phép, chứng chỉ hành nghề được thực hiện theo quy định nào" - đại biểu Nhị Hà băn khoăn.
Việc sát hạch định kỳ đối với cán bộ, công chức diễn ra nhiều năm nay ở các ngành nghề khác nhau đặc biệt là đối với ngành y trên thế giới. Trong khi đó, Việt Nam đang là quốc gia duy nhất trên thế giới có chứng chỉ hành nghề vô thời hạn.
Hiện nay, duy nhất chỉ có Việt Nam, Campuchia, Myanmar và Brunei là không thi chứng chỉ hành nghề. Trừ Brunei 100% bác sĩ là từ nước ngoài vào thì Việt Nam là một trong 3 nước có điều kiện để cấp phép hành nghề đơn giản nhất trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Ủng hộ quan điểm của cơ quan soạn thảo về quy định và thời hạn cấp giấy phép hành nghề y, nhưng phải cân nhắc vấn đề giao thẩm quyền cấp giấy phép là đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: "Nên chăng chúng ta giao cho các cơ quan quản lý nhà nước thì đủ sức hơn, đây hiện xu hướng thế giới. Còn một hướng nữa là các hiệp hội nghề nghiệp. Ví dụ như trước đây kiểm toán viên hành nghề là do Bộ Tài chính cấp nhưng bây giờ do Hiệp hội kế toán kiểm toán cấp. Do vậy, chúng ta sẽ phải nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Làm rõ vai trò giữa cơ quan quản lý nhà nước, Hội đồng y khoa quốc gia và tổ chức xã hội nghề nghiệp hội chuyên môn, ít nhất là trong quá trình hoạt động đào tạo và cấp giấy phép hành nghề khám chữa bệnh".
Đề cập việc giao cho Hội đồng Y khoa Quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề cho toàn bộ đội ngũ y bác sĩ, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách - Quốc hội cho rằng, nhân lực mỏng, chỉ có 01 chủ tịch Hội đồng chuyên trách. Hội đồng y khoa Quốc gia khó có thể đảm đương việc cấp, thu hồi giấy phép hành nghề cho khoảng 30.000 người trong diện cần cấp phép.
Với số lượng lớn nhân sự y, dược như vậy, nếu thực hiện nhiệm vụ theo Điều 21 của Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã nêu, hằng năm Hội đồng Y khoa Quốc gia phải cấp mới và cấp lại chứng chỉ hành nghề cho hàng vạn nhân viên y tế. Để đảm bảo lượng công việc khổng lồ như vậy, Hội đồng Y khoa Quốc gia phải là một cơ quan, tổ chức với lượng nhân sự lớn và phải là nhân sự cơ hữu.
"Liệu hội đồng y khoa có làm nổi hay không hay chúng ta phân cấp đến địa phương là cấp tỉnh, nếu không khối lượng công việc của Hội đồng y khoa sẽ rất lớn"
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, đây là hội đồng đánh giá năng lực chuẩn đầu vào, thống nhất trong cả nước, do đó hội đồng này cần làm tốt vai trò kiểm tra, giám sát để đảm bảo minh bạch trong quá trình thi cũng như hậu cấp giấy phép hành nghề để tránh các hiện tượng sai sót chuyên môn kỹ thuật, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị có quy định cụ thể đối với cơ quan thẩm định về chứng chỉ hành nghề được đặt ra trong dự thảo Luật là Hội đồng y khoa Quốc gia. Đại biểu này cũng đề nghị cần phát huy vai trò của Tổng hội Y học, hội nghề nghiệp trong việc đánh giá, thẩm định chứng chỉ hành nghề y, thay vì lấy lực lượng chủ đạo từ các nhà quản lý (Bộ trưởng, Thứ trưởng, các Vụ trưởng, Cục trưởng, Giám đốc Sở Y tế).
VOV2 sẽ tiếp tục đề cập vấn đề này ở kỳ 2: Cào bằng khung giá dịch vụ y tế có phù hợp?